Để xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ước tính chi phí đầu tư cho giai đoạn 1 khoảng 5,6 tỷ USD ... Tuy nhiên, nếu rà soát rút gọn thì tổng kinh phí giai đoạn 1 sẽ chỉ vào khoảng 4 tỷ USD.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không, Bộ GTVT cho biết: Sau nhiều năm sửa chữa, nâng cấp, sân bay Tân Sơn Nhất chỉ đạt quy hoạch nhỏ và dự kiến đến năm 2020 sẽ quá tải. Do vậy, sự cần thiết xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) với vai trò là “cảng hàng không trung chuyển”, đảm bảo quy mô có tiếp nhận 80 triệu – 100 triệu hành khách/năm là hết sức cần thiết.
Theo đó, giai đoạn I, càng hàng không này sẽ xây dựng nhà ga đủ sức tiếp nhận 25 triệu hành khách/năm, giai đoạn 2 từ 2020 đến 2030 sẽ đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và giai đoạn 3 đến sau năm 2030 sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm.
Cần 4 tỷ USD để huy động vốn xây dựng dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. |
ÔngThanh cho biết: Hiện nay vị trí của sân bay Tân Sơn Nhất nằm tại khu vực nội đô của TP vốn đã rất đông đúc, chật chội, do vậy khả năng mở rộng và đảm bảo an toàn bay là rất hạn chế và khó khăn, chưa kể tiếng ồn từ các chuyến bay sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Còn sân bay Biên Hòa là sân bay quân sự, thiết kế quy mô nhỏ do vậy nếu nâng cấp sân bay này kinh phí đền bù GPMB cũng rất lớn
“Nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì số kinh phí đền bù và GPMB có thể lên tới 15 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tại Long Thành, Đồng Nai thì chủ yếu là đất rừng cao su nên việc đền bù đất chỉ khoảng 7 nghìn tỷ đồng, về đảm bảo môi trường thì hoàn toàn thuận lợi, cách xa các khu dân cư…”, đại diện Tổng Công ty Cảng Hàng không VN cho biết.
Cũng theo đại diện Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, để xây dựng cảng hàng không Quốc tế Long Thành, ít nhất phải mất 10 năm. Do vậy, dự án cần sớm được phê duyệt để có thể đưa vào vận hành sau năm 2020 để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Nguyễn Nguyên Hùng - Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết: Để xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ước tính chi phí đầu tư cho giai đoạn 1 khoảng 5,6 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu rà soát rút gọn thì tổng kinh phí giai đoạn 1 sẽ chỉ vào khoảng 4 tỷ USD.
Để triển khai dự án, ông Lại Xuân Thanh cho biết, cần phải có cơ chế đặc thù cho nhà đầu tư thì mới có thể hút vốn cho dự án. Cụ thể, nhà nước cần có một chính sách cho phép để có thể chuyển đổi được đồng tiền ngoại tệ, đảm bảo chuyển ngoại tệ thông thoáng, đặc biệt là những chính sách ưu đãi về thuế, đảm bảo những dòng tiền cho phục vụ dự án.
Ông Thanh cũng cho biết: Bộ GTVT đã giao cho Tổng Công ty Cảng Hàng không VN cùng với các nhà tư vấn nghiên cứu kỹ để kiến nghị với nhà nước về nguồn vốn.
Theo đó, nguồn vốn hết sức đa dạng từ ODA, trái phiếu Chính phủ, vốn doanh nghiệp và các hình thức liên doanh, liên kết đều được huy động cho dự án lớn này.
Vũ Điệp