- Góc nhìn thẳng" của VietNamNet đã có cuộc trao đổi, chia sẻ với một người phụ nữ - chị là nạn nhân của bạo lực gia đình về những vấn đề xung quanh việc hơn 50% phụ nữ chấp nhận cho chồng bạo hành.
BTV Hạnh Thúy: Kính chào quý vị khán giả! Có khoảng 50% phụ nữ được hỏi cho rằng người chồng có đủ lý do để đánh vợ. Đây là kết quả được công bố tại hội thảo Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ vừa diễn ra. Có khoảng 28,2% phụ nữ được hỏi cho rằng người chồng có thể đánh vợ với 5 lý do: Đi chơi mà không nói với chồng, bỏ bê con cái, cãi lại chồng, từ chối quan hệ tình dục với chồng, làm cháy thức ăn...
Chương trình Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet hôm nay có mời đến trường quay một người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình.
BTV Hạnh Thúy: Chào chị, chị có thể chia sẻ về hoàn cảnh của mình?
Nhân vật bị bạo hành: Xây dựng gia đình được 17 năm, chúng tôi đã có hai con với nhau. Thực sự gia đình chúng tôi không hạnh phúc và tôi đã là nạn nhân của bạo lực gia đình. Tôi đã phải nương nhờ trung tâm Nhà Bình yên của Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam 4 tháng nay.
Chị có thể chia sẻ cho chúng tôi về câu chuyện bạo lực của gia đình mình?
- Bạo lực bắt đầu từ khi tôi có đứa con đầu tiên. Từ những lý do rất là đơn giản thôi, ví dụ như con khóc hoặc con nôn ọe thì chồng nói rằng: "Chỉ có ở nhà trông con thôi mà cũng không nên hồn, để con khóc, để con nôn ọe...". Chồng mình đã nhiều lần chửi mình về những vấn đề như thế.
Ví dụ, nếu mình nói lại thì chồng mình tát, đánh. Anh đánh vào đầu, ngực, đạp vào bụng mình. Có lần thì lấy kéo cắt tóc và lăng mạ mình bằng đủ thứ ngôn ngữ bẩn thỉu. Những lời nói đó khiến mình cảm thấy đau hơn cả những cú đánh về thể xác.
Tại sao chị không nhờ đến sự trợ giúp của những người xung quanh?
Sai lầm của mình là mình đã quá chịu đựng. Mình nghĩ rằng nói ra thì họ sẽ cười cho, rồi bị chồng sẽ đối xử lại tồi tệ hơn. Chồng thách đố: "Tao như thế đấy mày kêu đi, mày làm gì đi... Tao chẳng sợ gì cả". Một người phụ nữ yếu đuối bao giờ cũng có những suy nghĩ "thôi thì mình chịu khổ, chịu nhịn cho gia đình êm ấm.
Đến bây giờ thì tình trạng bạo lực của chồng mình đối với mình ngày càng nhiều lên và gần đây nhất thì cũng có đánh mình để mình bắt buộc phải ra đi, rời xa con mình lên đây.
Lần gần đây nhất thì anh ấy đánh mình chảy máu rất là nhiều và đến ngày hôm sau thì mình nghĩ mình không thể sống ở đây được nữa và hôm đó mình cũng không biết là mình đi đâu, về đâu.
Hôm đó mình đi ngoài đường, gặp bạn mình, bạn ấy cho mình về nhà. Bạn mình cũng cho mình uống thuốc, rửa mặt mũi cho mình. Mình không dám về nhà đẻ vì mình không muốn mang bộ mặt này về nhà đẻ, về địa phương mình. Ngược lại, về nhà mình thì mình hoảng sợ không dám quay về.
Khi đi mình không mang được cái gì đi. Khi mình đi, chồng ở nhà vu cáo cho mình là bỏ chồng đi theo trai, đập tiền đập của của chồng mang đi. Thực sự tất cả tài chính gia đình mình do chồng nắm giữ hết và trong khi đó mình là người làm ra tiền, lo lắng sinh hoạt trong gia đình. Chồng mình nói lương của chồng thì để đó sau này lo cho con thế mà vẫn nói xấu mẹ với các con là mẹ bỏ nhà đi theo trai, mang tiền mang của đi. Và cũng có hình thức nữa là đăng hình lên mạng và sỉ nhục mình trên mạng.
Vậy lý do lần cuối cùng chị bị đánh?
- Cũng chỉ là cái mâu thuẫn từ trước đến giờ dồn nén lại. Từ những sinh hoạt gia đình: tiền đi đâu hết, tiêu gì mà hết tiền. Có những cái ghen tuông vô cớ không có bằng chứng cụ thể như cấm mình ở trong nhà, kiểm soát điện thoại, không cho gặp gỡ ai, không cho mặc váy, quần áo đẹp. Thực sự coi mình là như là nô lệ.
Qua những lần như thế các con của chị có ảnh hưởng gì về mặt tâm lý không?
- Chắc chắn là có, mỗi lần vợ chồng mình cãi nhau, bố đánh mẹ, các con rất sợ sệt, khép nép. Muốn bênh mẹ nhưng sợ bố không dám bênh mẹ. Rất nhiều lần con mình nói" mẹ đi đi, mẹ không ở nhà nữa". Thế nhưng mình cũng có nói: không, mẹ không thể đi được, bây giờ mẹ còn phải ở nhà với các con, mẹ còn chăm các con. Nhưng thực sự là ảnh hưởng đến tâm lý của các cháu.
Đã tạm trú ở Ngôi nhà bình yên nhưng với chồng anh ấy còn truy đuổi chị?
- Khi mình lên nhờ Nhà bình yên thì chồng mình vẫn gọi đến trung tâm, có những câu nói xấu vợ, đổ lỗi, vu cáo... nhưng đến nay thì đã dừng lại. Thực sự đến bây giờ mình cũng muốn chia tay, thế nhưng chồng mình không đồng ý và bao lần dọa: "mày đừng bao giờ tranh giành cái gì với tao về con cái, tài sản, mày đừng bao giờ về đây đòi hỏi cái gì". Mình không biết tương lai sẽ ra sao?
Thưa chị, mới đây có một khảo sát đánh giá trình trạng của phụ nữ và trẻ em thì có đưa ra kết quả: Có 28,2% phụ nữ cho rằng: người chồng có thể đánh đập vợ với những lý do như là nấu cơm không ngon, từ chối quan hệ tình dục hoặc là bỏ bê con cái, đi chơi mà không xin phép chồng... Chị nghĩ gì về quan điểm này?
- Qua trải nghiệm của mình mười mấy năm nay thì mình nhắc nhở các bạn là cuộc sống vợ chồng ngay từ đầu tiên nên tôn trọng nhau, hai vợ chồng phải bình đẳng với nhau. Mình nghĩ các bạn không nên bỏ qua những cái đơn giản như vậy để rồi làm cho bạo lực gia đình và quyền của người chồng to lên. Đến một ngày nào đó họ sẽ gây ra cho mình những cái đối xử tồi tệ hơn.
Chị quan sát những phụ nữ xung quanh, họ đang sống như thế nào?
- Ở thành phố, các phụ nữ còn có chút quyền con người, chứ nhiều phụ nữ ở nông thôn rất khổ. Có những người họ cam chịu đến mức như con vật, như một đồ vật để chồng xả stress, đánh đập bất kỳ lúc nào.
Vậy chị có lời khuyên gì đối với những phụ nữ có hoàn cảnh giống mình?
- Qua đây tôi cũng rất muốn rằng các bạn hãy đừng cam chịu và nên đến một số trung tâm bảo vệ quyền phụ nữ hỗ trợ. Các bạn đừng nghĩ rằng mình cứ cam chịu để cho con mình được đầy đủ gia đình nhưng mà các bạn hoàn toàn nhầm. Khi mình chịu đựng như vậy thì con cái mình ảnh hưởng rất nhiều.
Chị có kiến nghị gì với chính quyền và cơ quan chức năng để bảo vệ những người có hoàn cảnh như chị?
- Ví dụ hoàn cảnh như mình, bị bạo hành như thế, bị đánh như thế, bị đối xử như thế mà cũng chỉ ở mức phạt hành chính thôi. Nếu cứ nương nhẹ như thế thì mình nghĩ không bao giờ ngăn chặn được bạo hành gia đình. Mình muốn Nhà nước cùng với các ban ngành hãy nên chung tay và làm ráo riết hơn thì tình trạng bạo lực mới giảm đi được.
Đến đây, chương trình Góc nhìn thẳng của Báo VietNamNet xin phép được khép lại. Xin cám ơn chị đã tham gia chương trình. Xin cám ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi!
Báo VietNamNet