Theo kết quả khảo sát, đánh giá sức khỏe tinh thần của người bệnh tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, tỉ lệ F0 bị trầm cảm là 20%, rối loạn lo âu là 53,3%, stress là 16,7%.

Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở HFNC có tỉ lệ trầm cảm là 66,7%. Tương tự, những bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ, hoặc thở máy có tỉ lệ rối loạn lo âu cao, lên tới 66,7%.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy bệnh nhân hài lòng về mọi mặt trong suốt quá trình điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Đồng thời, 67% bệnh nhân mong muốn được tư vấn tâm lý khi điều trị và sau khi xuất viện.

{keywords}
Tiến sĩ tâm lý Trì Thị Minh Thúy đang nói chuyện với một bệnh nhân Covid-19 nặng đã khỏi bệnh, được xuất viện trong ngày mai. Ảnh: BVCR. 

Vừa qua, Ban Giám đốc bệnh viện đã mời Tiến sĩ tâm lý Trì Thị Minh Thúy, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, đến khảo sát và hỗ trợ điều trị tâm lý cho các F0 tại bệnh viện.

Tiến sĩ Thúy cho biết, khi đại dịch bùng phát trên địa bàn TP, chị muốn hỗ trợ các các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch và các bệnh nhân Covid-19, nhằm giúp họ thoải mái hơn, bớt căng thẳng lo âu. Vì vậy, khi được bệnh viện mời, chị đã đồng ý. “Một mình tôi sẽ không làm được gì nhiều, nhưng tôi sẽ cố gắng”, Tiến sĩ Thúy chia sẻ.

Chị Thúy kể, ngày mới đến bệnh viện, chị đi một vòng khắp các khoa, nhìn nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy, chị thấy mình như bất lực. “Ngành tâm lý học chủ yếu nói chuyện, trao đổi, chia sẻ và lắng nghe người khác nói để hỗ trợ họ tốt hơn. Khi bệnh nhân nặng, phải dùng máy thở, mình không thể đặt câu hỏi, họ cũng không có phản ứng gì cả”, Tiến sĩ Thúy chia sẻ.

{keywords}
Một bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: BVCR.

Khi tiếp xúc với các bệnh nhân tỉnh táo hơn, chị Thúy biết được họ có nhiều nỗi lo lắng. "Khi vào bệnh viện điều trị Covid-19, họ phải xa người thân, một mình chống chọi với virus đề giành sự sống, phải cách ly nên dễ gây ra tình trạng buồn, chán ăn", Tiến sĩ Thúy nói.

"Nhìn thấy tôi, nhiều bệnh nhân nằm im. Tôi nói nếu đồng ý, anh, chị, em hãy ra ký hiệu. Họ hiểu mình nói gì nhưng không làm gì cả. Mình phải khơi gợi, giúp cho người bệnh ăn, mát-xa, gợi chuyện trước, họ mới bắt đầu mở lòng”.

Có một bệnh nhân vừa được ra khỏi phòng ICU, nhìn xung quanh mình toàn dây thiết bị, chứng kiến các F0 khác tử vong đã hoảng loạn, gặp ác mộng khi ngủ. Người bệnh kể, thấy mình và người thân chết. Được Tiến sĩ Thúy nhẹ nhàng động viên, người bệnh mới dẫn ổn định. Hiện người bệnh đã hoàn toàn bình phục. 

Sau những lần tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19 nặng, Tiến sĩ Thúy kết luận họ gặp chứng lo âu, hoảng loạn, trầm buồn. Đây là lý do khiến họ cần đến chuyên gia tâm lý.

"Để làm tốt điều này, chuyên gia phải ở bên cạnh, lắng nghe họ, nói chuyện và có một số thủ thuật về tâm lý để giúp người bệnh vượt qua", tiến sĩ Thúy chia sẻ.

>>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM mới nhất

Tú Anh

Những thuốc được dùng cho trẻ mắc Covid-19 điều trị tại nhà

Những thuốc được dùng cho trẻ mắc Covid-19 điều trị tại nhà

Bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết, khi trẻ mắc Covid-19 điều trị tại nhà chỉ nên dùng thuốc giảm đau, hạ sốt paracetamol, siro ho, orezol, không nên dùng kháng sinh, kháng viêm.