- “Chưa cho phép hôn nhân đồng tính, nhưng bỏ các quy định cấm, không can thiệp hành chính vào việc sống chung”, ông Tưởng Duy Lượng, Phó Chánh án TAND tối cao, kiến nghị.
Vấn đề kết hôn đồng tính nhận được nhiều sự quan tâm tại hội nghị tổng kết công tác thi hành luật Hôn nhân và gia đình (luật HN-GĐ) do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 16/4.
Báo cáo của Bộ Tư pháp chỉ ra, pháp luật Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về bảo vệ quyền của người đồng tính. Mặt khác, khoản 5 điều 10 luật HN-GĐ sử dụng quy phạm “cấm” kết hôn đồng tính dễ tạo ra hiệu ứng định kiến xã hội.
Tuy nhiên, hiện việc thừa nhận hôn nhân đồng tính được đánh giá là vẫn chưa phù hợp, xuất phát từ nguyên nhân tập quán, văn hóa gia đình Việt Nam.
Một phương án “trung hòa” được Bộ Tư pháp đưa ra là không quy định theo hướng cấm, mà theo hướng không thừa nhận. Bên cạnh đó, đưa vào luật quy định về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ chung sống như vợ chồng.
Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo?
Liên quan đến vấn đề mang thai hộ, hiện luật HN-GĐ năm 2000 chưa có quy định cụ thể. Trong khi đó, nghị định của Chính phủ nghiêm cấm mang thai hộ lại đang hạn chế mong muốn chính đáng của rất nhiều gia đình hiếm muộn, vô sinh.
“Cần bổ sung quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nghiêm cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại”, ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, đề xuất. Bên cạnh đó, để tránh các trường hợp lách luật, theo ông Thể cần “quy định cụ thể những trường hợp được mang thai hộ ngay trong luật”.
Các ý kiến cũng chỉ ra cần quy định chặt chẽ những thỏa thuận pháp lý liên quan đến vấn đề mang thai hộ. Chẳng hạn: xác định đứa trẻ là con ai; nghĩa vụ nuôi dưỡng, chu cấp; giao đứa trẻ cho ai trong trường hợp xảy ra tranh chấp v.v…
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đánh giá rất cần thiết đưa quy định về ly thân vào luật HN-GĐ. Hiện do luật chưa có quy định về ly thân, nên cũng kéo theo nhiều hệ quả, gây rắc rối, phức tạp cho quan hệ hôn nhân.
“Cần quy định ly thân là một sự thỏa thuận có tính chất riêng tư của vợ chồng, vợ chồng có quyền thỏa thuận ly thân hoặc chấm dứt ly thân”, ông Lê Hữu Thể kiến nghị. “Các thỏa thuận này cần phải lập thành văn bản và được tòa án công nhận”.
Mỹ Hòa