Trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Washington sắp tới, Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ bàn về các thoả thuận trị giá hàng chục tỉ USD.

Các thoả thuận hai bên chủ yếu gồm máy bay, linh kiện ô tô, sản phẩm nông nghiệp, thịt bò sẽ góp phần xây dựng “thiện ý” khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau vào thứ Tư.

 

Ngoại trưởng Mỹ Clinton thăm một nhà máy Boeing ở Thượng Hải. Ảnh: Getty Images

Sự kiện gặp gỡ giữa ông Obama và ông Hồ Cẩm Đào được chú ý rộng rãi. Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục nỗ lực để đưa ra một lịch trình hoàn hảo. Nhà Trắng hy vọng tâm điểm của gói thoả thuận sẽ là việc mua bán máy bay của hãng Boeing.

Lãnh đạo hai nước cho biết, họ mong muốn thấy quan hệ Trung - Mỹ vốn gặp nhiều trắc trở trong năm qua sẽ trở lại đúng hướng và có lợi cho cả hai bên. Nhưng họ cũng hy vọng cuộc họp sẽ kiến tạo một khuôn khổ có lợi nhất ở nội địa.

"Mối quan hệ của chúng tôi được đánh dấu bằng những cam kết lớn lao và thành tựu thực tế”, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói trong bài phát biểu hôm thứ sáu tuần trước. “Và hơn bao giờ hết, nó sẽ được đánh giá bằng chính những kết quả tạo ra”.

Chuyến công du tới Mỹ gần đây nhất của ông Hồ Cẩm Đào diễn ra vào năm 2006, trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ở thời điểm Mỹ vẫn là một cường quốc kinh tế vượt trội. Từ đó tới nay, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và kiểu phát triển dưới sự dẫn dắt của nhà nước đã trở thành mô hình cạnh tranh với nền kinh tế định hướng thị trường của Mỹ.

Các thoả thuận đạt được thường chiếm đa số trong những chuyến công du nước ngoài của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Nước này đã tuyên bố đạt giá trị hợp đồng 16 tỉ USD với Ấn Độ hồi tháng trước. Ước tính thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc năm ngoái sẽ vượt qua 250 tỉ USD.

Bản thân Nhà Trắng coi các thoả thuận là cách thể hiện lợi ích cụ thể từ “đối tác” khi rất nhiều vấn đề khác được bàn thảo gồm Iran, Triều Tiên, và những vấn đề tài sản trí tuệ không dễ dàng giải quyết. Chính quyền của Tổng thống Obama cũng muốn bày tỏ khả năng kiến tạo nhiều việc làm trong thời điểm tỉ lệ thất nghiệp Mỹ lên tới 9,4%.

Một năm với nhiều bất đồng trong quan hệ đã trôi qua, Trung Quốc muốn năm mới với cuộc gặp thượng đỉnh sẽ xoa dịu căng thẳng và củng cố tầm vóc thế giới mới của họ. Kể từ chuyến thăm Nhà Trắng trước của ông Hồ Cẩm Đào, “Trung Quốc đã trở thành một người đàn ông trẻ tuổi mạnh mẽ từ một cậu bé”, Trương Kiến Trung - phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc gia tại Đại học Giao thông Thượng Hải cho biết.

Mục tiêu của Mỹ là một tiến triển rõ ràng trong các vấn đề gồm thương mại, chính sách tiền tệ, Triều Tiên và Iran.

Trong bài phát biểu của mình, bà Clinton đã nhấn mạnh tới tính cần thiết với quân đội Trung Quốc “để vượt qua trở ngại, tham gia cùng chúng tôi xây dựng một mối quan hệ quân sự bền vững và minh bạch”. Ngoại trưởng Mỹ đã đề cập tới nỗ lực khôi phục quan hệ quân sự với Trung Quốc trong chuyến công du Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates.

Bà Clinton cho rằng, một điều rất quan trọng khác là Trung Quốc cần cùng Mỹ “gửi tới Triều Tiên tín hiệu rõ ràng về các hành động gây hấn gần đây của họ - bao gồm cả tuyên bố về uranium - là không thể chấp nhận được”.

Trong tuần qua, Thứ trưởng Ngoại giao Robert Hormats, Thứ trưởng Thương mại Francisco Sanchez và phó Đại diện thương mại Mỹ Demetrios Marantis đã có ba ngày ở Bắc Kinh để trao đổi với quan chức Trung Quốc về các vấn đề thương mại và đầu tư. Họ tập trung vào hai chuyến đi của Trung Quốc, dẫn đầu là các quan chức Bộ Thương mại và Cục Xúc tiến Thương mại quốc tế của Trung Quốc diễn ra từ thứ bảy và kéo dài tới 21/1.

Hai nhóm trên dự kiến thăm nhiều thành phố của Mỹ, trong đó có Chicago - “ngôi nhà” của Boeing - cũng là nơi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ gặp gỡ các giám đốc điều hành Mỹ và Trung Quốc.

Việc “thuyết phục” Trung Quốc mua máy bay là trọng tâm cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước vì Boeing là biểu tượng của sức mạnh xuất khẩu Mỹ, hãng này có các cơ sở và chi nhánh ở khắp nước Mỹ. Phát ngôn viên của Boeing từ chối đưa ra bình luận.

Trung Quốc cũng cân nhắc tới vai trò của họ như một nhà đầu tư vào công nghiệp ô tô Mỹ. SAIC Motor Corp., nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc gần đây đã mua cổ phần trị giá 500 triệu USD tại General Motors... Các nhà đầu tư đại lục cũng mua cổ phần của các nhà cung cấp ô tô.

Tâm điểm các hợp đồng mua bán, theo lời một quan chức cấp cao Mỹ “là một phần để giảm bớt thiếu cân bằng thương mại, một phần chứng tỏ với người Mỹ rằng, có những lợi ích việc làm thực tế trong quan hệ với Trung Quốc, và một phần giúp chuyến công du thành công”.

Ở một vấn đề thương mại khác, Mỹ mong muốn Trung Quốc sẽ cung cấp kế hoạch cụ thể về việc các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước sẽ mua phần mềm hợp pháp thế nào. Bắc Kinh đã sẵn sàng cam kết cho những thoả thuận kiểu này.

Nhà Trắng cũng tìm kiếm cam kết rằng, các hãng Mỹ tại Trung Quốc sẽ không bị ngăn chặn trước những dự án được chính phủ ủng hộ với các sản phẩm công nghệ cao.

Trung Quốc thì muốn sử dụng chuyến thăm để thúc ép những thay đổi trong chính sách của Mỹ. Bắc Kinh cho rằng, việc Cục Dự trữ liên bang (FED) giữ tỉ lệ lãi suất thấp và mua trái phiếu đã làm tồi tệ thêm tình hình lạm phát của Trung Quốc. Một đoàn đại biểu Trung Quốc tới thăm Washington, cũng đề nghị FED cân nhắc các vấn đề với những nước đang phát triển khi đưa ra chính sách.

Có ít cơ hội để Mỹ đồng thuận, Eswar Prasad, một học giả Trung Quốc tại Học viện Brookings - người đã có cuộc gặp với đoàn đại biểu trên, vì nhiệm vụ của FED là xem xét những lo ngại kinh tế trong nước khi đưa ra chính sách. FED cũng tin rằng, thúc đẩy kinh tế Mỹ sẽ giúp cho kinh tế toàn cầu vì rất nhiều quốc gia trông chờ vào thị trường Mỹ.

Chính sách tỉ giá cũng là vấn đề lớn trong cuộc gặp của ông Obama và Hồ Cẩm Đào.

  • Thái An (Theo WSJ)