- Câu nói của ông Nguyễn Bá Thanh "hốt liền, không nói nhiều" dường như đã trở thành tâm điểm của dư luận mấy ngày nay. Đây có thể coi là phát ngôn ấn tượng đầu tiên của tân Trưởng Ban Nội chính TƯ từ khi ông nhậm chức.

Dường như ông Bá Thanh muốn gửi thông điệp tới một lĩnh vực quan trọng, xương sống của nền kinh tế hiện nay cần được làm lành mạnh, đó là lĩnh vực ngân hàng. Tiếp theo là thông điệp về hành động - điều mà nhân dân chờ đợi hơn cả.

Việc lập lại Ban Nội chính và thực hiện thêm chức năng là văn phòng của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng đã thể hiện quyết tâm của Đảng đối với lĩnh vực nước sôi lửa bỏng này.

Tìm ra mắt xích

Đây thực sự là trận tuyến, có khi còn hơn cả trận tuyến bởi giặc tham nhũng rất khó xác định. Nó vừa ở cạnh ta, là bà con của ta, đồng nghiệp của ta, có khi còn ở trong ta. Khó nên Đảng và Nhà nước đã quyết tâm cao, giải pháp nhiều, lực lượng cũng không thiếu nhưng vẫn “chưa đạt được kết quả như mong muốn”.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: Minh Thăng

Theo kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2011 do UNDP công bố tháng 5/2012, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam phổ biến, trở thành vấn nạn mang tính hệ thống.

Vì vậy phải tìm ra những mắt xích quan trọng. Mỗi năm tuy đưa ra ánh sáng hàng trăm vụ nhưng nó như cỏ dại, nhổ chỗ này lại mọc chỗ khác. Có nhiều nguyên nhân nảy sinh tham nhũng trong đó có cơ chế, song ngay cách “đánh” xét về hệ thống ta chưa điểm đúng huyệt, chưa tìm ra “sâu chúa” trong một mạng lưới và trong liên hiệp các mạng lưới mà khi đánh vào đó sẽ làm rung chuyển cả hệ thống khiến chúng không tự ứng cứu cho nhau. Phải tìm được những Buôn Ma Thuột, vị trí chiến lược xung yếu như trong giải phóng miền Nam trước đây để đánh.

Trong nền kinh tế của ta không một lĩnh vực nào lại tồn tại riêng lẻ. Sự tồn tại của lĩnh vực này đều phụ thuộc vào lĩnh vực khác, cùng tồn tại. Ngay cả tham nhũng cũng vậy, không có bên nào được hưởng lợi tất cả mà như một ma trận. Trong các mối quan hệ thì quan hệ giữa doanh nghiệp và chính trị là quan trọng. Nhưng nó sẽ không còn lành mạnh nếu bị những “con sâu” chi phối.

Trước Hội nghị Trung ương 6, dư luận đã phấn khởi vì một số ‘sâu’ của ngân hàng bị bắt. Đây là một mắt xích hay những “tử huyệt” mà từ đó có thể tìm ra nguyên nhân làm suy yếu nền kinh tế.

Đánh giá về vấn đề này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Đã tập trung chỉ đạo xử lý một số vấn đề phức tạp, nổi cộm trong thực hiện chủ trương cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và thị trường tài chính... Chỉ đạo việc điều tra, xử lý một số vụ án kinh tế nghiêm trọng, điển hình là việc khởi tố Nguyễn Đức Kiên và một số nguyên lãnh đạo ngân hàng… về các hoạt động phi pháp nhằm mục đích đầu cơ, thao túng thị trường tiền tệ…”.

Cho đến nay vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra. Tuy nhiên hệ lụy và nợ xấu mà nó để lại cho nền kinh tế là vô cùng nặng nề. Chính phủ đang chỉ đạo xử lý rốt ráo nhưng kết quả còn hạn chế, vẫn còn kéo dài khó thu hồi vốn, là gánh nặng cho nền kinh tế.

Tử huyệt phanh phui tham nhũng

Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết trong năm 2012 “tội phạm về kinh tế, tham nhũng phức tạp nổi lên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng, tác động xấu đến an ninh tài chính, tiền tệ”.

Dư luận quan tâm và hy vọng tân Trưởng ban Nội chính TƯ tham mưu rốt ráo xử lý nghiêm, dứt điểm như người đứng đầu Đảng yêu cầu.

Một trong những thủ đoạn tham nhũng, gót chân A-sin mà như ông Thanh đã chỉ ra, “cán bộ ngân hàng giúp doanh nghiệp nâng khống giá đất để được vay vốn lớn hơn so với giá trị thế chấp nên để xảy ra nợ xấu ngân hàng. "Hiện cả nước lên tới mấy chục tỉ đô la chứ ít à. Mấy ông đó là phải bắt ngay, không cần đợi có bằng chứng chung chi gì hết".

Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, và cũng được xem là tử huyệt để từ đó phanh phui tham nhũng, làm lành mạnh thị trường tiền tệ, tạo đà cho kinh tế phát triển.

Chống tham nhũng là nhiệm vụ chính trị hệ trọng hiện nay. Công cuộc này được cả xã hội quan tâm và ủng hộ. Đã đến lúc “không cần nói” - như ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định - mà phải hành động. Bước đầu cần tạo tiền đề, tạo đà để từ đó thành hiệu ứng, thành cấp số cộng, số nhân. Một “Buôn Ma Thuột” để tạo niềm tin cho xã hội, làm lộ diện và từ đó xử lý những con sâu, tiến tới hốt cả bầy sâu làm nghèo đất nước.

Nguyễn Đăng Tấn