Hiện tượng thêm một “tinh hoàn” xảy ra ở nhiều trẻ nhỏ, thậm chí cả ở người lớn. Bỗng nhiên phát hiện con có thêm một tinh hoàn khiến nhiều phụ huynh đã hốt hoảng.

Con trai có 3 tinh hoàn

Chị Nguyễn Thị Hà trú tại Lương Tài, Bắc Ninh, mẹ của bé Trần Đức Minh 5 tuổi, vừa đưa con đi phẫu thuật bóc nang thừng tinh tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Chị cho biết, cách đây hai tuần chị để ý vùng bìu của con mình có thêm một “hòn bi” nữa.

{keywords}

Nang thừng tinh sau khi bóc tách

Chị Hà sờ thấy cục tròn tròn này di động, mềm mềm nên đã hốt hoảng thông báo cho chồng. Vợ chồng chị lo lắng vô cùng vì tự nhiên con có 3 tinh hoàn nên vội vàng đưa con đến bệnh viện kiểm tra. Khi đến bệnh viện tỉnh, bác sĩ siêu âm nghi ngờ khối u lành tính, chị Hà và chồng cho con lên Hà Nội kiểm tra lại, bác sĩ cho biết cháu bị nang nước thừng tinh.

Chị Hà cho biết con trai 5 tuổi ở với bà ngoại là chính. Vợ chồng chị đi làm ở Sao Đỏ, Hải Dương đến cuối tuần mới về thăm con. Việc chăm sóc tắm rửa hầu như đều do bà nội nên bà không mấy khi để ý đến vùng bìu của cháu. Một lần, chị tắm cho con mới để ý đến vùng kín của con thì thấy có tới ba hòn, không giống như những bé trai khác.

Cùng trường hợp với bé con nhà chị Hà, cháu Nguyễn Tường Minh, con chị Bùi Thị Thuỷ trú tại Hà Đông, Hà Nội cũng tương tự. Chị Thuỷ thấy cậu con trai của mình bỗng dưng có “ba hòn”. Chị rất lo lắng vì sự bất thường này. Hai vợ chồng chị cho con đi khám mới biết đó là một bệnh lý bẩm sinh ở trẻ.

Sau khi được bác sĩ tư vấn thắt ống dịch rò xuống vùng kín của bé và uống thuốc, một thời gian sau nó biến mất. Chị Thuỷ thở phào may mắn là bé không phải phẫu thuật.

Hầu hết các bà mẹ khi phát hiện bất thường ở cơ quan sinh dục của con đều rất hốt hoảng vì lo sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ của con cũng như khả năng sinh sản sau này.

Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Khoa Ngoại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, có những trường hợp cha mẹ bé hốt hoảng còn tưởng con bị ung thư tinh hoàn. Ở tuổi của các bé trai bệnh ung thư tinh hoàn rất hiếm và những bé trai có ba tinh hoàn càng hiếm hơn. Khi thấy bất thường ở cơ quan sinh dục tạo ra ba tinh hoàn, cha mẹ có thể đưa con đi kiểm tra. Bác sĩ sẽ khám lâm sang và siêu âm cho trẻ để chẩn đoán chính xác bệnh.

Có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản

Nang thừng tinh là một bất thường bẩm sinh ở nam giới do sự tiêu biến của ống phúc tinh mạc đi theo tinh hoàn xuống bìu trong thời kỳ cuối của mang thai tới sau sinh.

Thông thường, nước trong nang có thể tự hấp thu trong vòng 12-18 tháng. Khi vượt quá thời gian này mà nang vẫn còn thì có chỉ định mổ để thoát dịch ở nang.

Về lâm sàng, bác sĩ Liên cho biết ở trẻ nam, có khối tròn, căng, mềm ở vùng bẹn bìu, di động dọc theo ống bẹn. Khối có thể to lên nhanh nếu ống phúc tinh mạc còn tồn tại nang nước trong ổ bụng.

Nang nước thừng tinh bình thường không quá nguy hiểm vì khi trẻ bị nang thừng tinh sau một thời gian, ống phúc tinh hoàn đóng lại, dịch sẽ không chảy và sẽ khô lại và tinh hoàn sẽ trở lại bình thường.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ bị nang thừng tinh hơn 1 năm rồi mà vẫn chưa khỏi lúc này sẽ rất nghiêm trọng vì nang lớn tạo áp lực lớn cho tinh hoàn, khi dịch ở nang thừng tinh quá nhiều sẽ tạo áp lực lớn lên tinh hoàn. Lâu dần sẽ ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu, chức năng sản xuất tinh trùng bị giảm sút. Ngoài ra, do quá trình cung cấp máu và nhiệt độ thấp sẽ khiến tinh hoàn bị teo ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này.

Theo bác sĩ Liên, trẻ dưới 2 tuổi các bác sĩ khuyến cáo không nên mổ mà có thể thắt ống phúc mạc tinh để ngăn chặn nước chảy xuống tạo nang. Khi thắt lại nang có thể tự mất. Còn trong trường hợp không mất bác sĩ có thể làm phẫu thuật bóc tách nang. Tuy nhiên, để thực hiện phẫu thuật các bác sĩ dựa vào tình hình sức khoẻ của mỗi bệnh nhi khác nhau. Vì cuộc mổ phải gây mê nên bác sĩ sẽ cân nhắc trẻ có chịu được cuộc mổ hay không.

Việc bóc nang nước thừng tinh rất đơn giản trong phẫu thuật ngoại khoa, trẻ nằm viện 1-2 ngày là có thể ra viện.

(Theo Infonet)