- Mâu thuẫn giằng xé: thả cho HS qua hay làm nghiêm để việc dạy học thuận lợi như một vòng luẩn quẩn, một mớ bòng bong không thấy lối thoát. Cuối cùng, cô đành ngậm ngùi làm theo xu hướng chung, dòng chảy chung là “đi coi thi như đi xem các em thi”.
Đã học đến lớp 12 thì cho đỗ!
Tốt nghiệp năm nay có đến 54/63 tỉnh, thành đạt kết quả đỗ trên 90%. Tỉnh thấp nhất là Đắc Nông cũng đứng ở mức 81%. Đặc biệt, hệ GDTX, tỉnh Quảng Bình đạt tỷ lệ đỗ 100%. Nhìn kết quả này, các HS phấn khởi nhưng giáo viên thì buồn... ngậm ngùi.
Một cô giáo đi coi thi và chấm thi, xin được giấu tên mới dám bộc bạch những trăn trở của mình. Cô thấy buồn! Buồn lắm! Buồn vì cô và các đồng nghiệp buộc phải “thương” HS mà “thả” cho các em được quay bài, chép bài tràn lan với mục đích cho qua để các em có được tấm bằng tốt nghiệp. Buồn vì nếu thi cử dễ như vậy HS sau này sẽ không chịu học và thầy cô không biết dạy ra sao. Buồn vì nếu kết quả không thực chất sẽ ảnh hưởng đến “nguyên khí” nước nhà mai sau…
Thí sinh làm bài trong kỳ thi THPT. Ảnh: Văn Chung |
Những em học yếu, kém, giáo viên vài năm kinh nghiệm ôn luyện đều có thể đánh giá đi thi khó mà đậu. Biết vậy, nhưng trong sâu thẳm, cô lại mong các em có thể chép được bài để vượt qua ải cuối cùng của thời học sinh.
Đó là suy nghĩ: “Nếu siết chặt chất lượng giáo dục thì phải là cả một quá trình từ trước đó. Còn đã lên được đến lớp 12 rồi thì thôi (tặc lưỡi) cho qua vậy!”.
Sau 12 năm cắp sách, các em bị đánh trượt. Gia đình các em sẽ buồn lắm! Còn các em, trong đó có nhiều em cũng ngoan ngoãn nhưng do năng lực có hạn nên chỉ học được đến đây, rất cần một tấm bằng để xin việc phổ thông.
Tâm lý “thương” HS đó đã khiến cô và nhiều đồng nghiệp coi thi “rộng rãi” hơn. Nhất là lại không còn đội ngũ thanh tra uỷ quyền của Bộ thì việc này được thực hiện càng dễ dàng.
Dễ dàng theo kiểu coi thi để HS quay bài, chép bài không quá ồn ào, lộ liễu. Khi thấy đoàn kiểm tra đi qua thì phải trật tự. Nếu chẳng may cô có “lỡ nhìn thấy” em nào mở tài liệu thì sẽ nhắc nhở, thu lại không cho sử dụng và “không lập biên bản”. Em mất tài liệu không tự làm được bài có thể “rón rén” quay sang chép bài của bạn.
Tuy nhiên, đó còn là mức độ nhẹ và nhìn có phần trật tự. Cô kể, các bạn cô đi coi thi ở một số hội đồng GDTX, có những cán bộ đi thi còn không biết đường chép bài. Hoặc có phòng thi đành phải vứt bài vào cho HS vì cả phòng chẳng có ai làm được bài.
Cô bộc bạch: “Tôi cảm thấy thực chất kỳ thi này là làm cho đủ quy chế, chứ không phải cho nghiêm túc và đạt chất lượng. Chúng tôi đi coi thi, thực chất là đi xem các em thi thì đúng hơn”.
Cô nghĩ, nhiều đồng nghiệp khác cũng làm như vậy. Vì khi chấm thi, không quá khó khăn để biết rằng bài của em này, em kia là đi chép. Biết vậy, nhưng lại “tặc lưỡi” bỏ qua lần nữa. Thậm chí, còn cố gắng “gạn” đến mức tối đa để HS có điểm.
Mơ hồ mâu thuẫn
“Thả” coi thi, rộng tay chấm, đương nhiên kết quả cao. Kết quả đỗ cao mà không thực chất, hệ quả là, quay trở lại nhà trường giảng dạy sẽ gặp khó khăn khi HS biết “thi là đỗ” sẽ không chịu học. Cô lại mong, trong trường có vài em trượt để những lớp sau nhìn vào nghiêm túc học hơn. Nhưng rồi lại nghĩ, đã học đến lớp 12 rồi còn đánh trượt (!)
Theo cô, nếu thi cử thế này, Bộ nên phổ cập cho HS đến lớp 12. Cho đỗ tốt nghiệp và để các em đọ sức với nhau ở kỳ thi vào ĐH.
Cô cũng biết nhiều người sẽ lo ngại nếu không thi HS sẽ không chịu học. Nhưng theo cô, Bộ có thể giao trách nhiệm về cho các trường tổ chức thi và xét tốt nghiệp. Còn Bộ xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá.
Cô cho rằng, có thể, nơi này nơi kia, cách này cách khác, một số người sẽ tìm cách tiêu cực, nhưng không nhiều và sẽ khó khăn hơn so với tiêu cực, lộn xộn của thi tốt nghiệp này. Vì để được xét tốt nghiệp, mỗi HS phải qua “ải” của khoảng chục thầy cô giáo bộ môn. Không dễ gì “xin điểm” trót lọt được cả từng đó thầy cô. Trong khi, trong mỗi nhà trường, bản thân các thầy cô giáo đã có sự “giám sát” nhau chặt chẽ.
Hơn nữa, nhà trường cũng phải làm nghiêm túc để giữ danh tiếng. Giáo viên, ngoài trách nhiệm người thầy, còn phải làm thực chất để được dạy thực, để được nói HS nghe, HS biết chịu học.
Nghĩ thế, nhưng sao cô thấy điều đó cũng thật xa vời, mơ hồ khi chất lượng giáo dục chưa được khẳng định từ gốc lên.
- Bảo Anh