- Sáng 18/4, một số trường THPT tại Hà Nội đã thông báo các trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ trước toàn trường.

Thông tin trên vừa được VnMedia đăng tải. Báo dẫn nguồn thông tin từ Trung tá Đinh Thanh Thảo, Phòng CSGT, Công an Thành phố Hà Nội (CATP) cho biết thực hiện cơ chế phối hợp giữa CATP và Sở GD - ĐT, từ cuối tuần trước, đơn vị này đã gửi thông tin về 23 trường hợp học sinh THPT vi phạm giao thông tới các trường.
Tất cả các trường hợp học sinh vi phạm giao thông sẽ được CA thành phố Hà Nội gửi thông báo về trường.

Theo đó, các lỗi vi phạm của những học sinh này đều nằm trong khung hình phạt không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy tham gia giao thông và không có giấy phép lái xe hạng A1.

Trong buổi sáng 18/4, ra quân xử lý các trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ liên quan đến học sinh, tại ngã ba Quang Trung - Lý Thường Kiệt, rất nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy hoặc không có bằng lái xe.

Các học sinh vi phạm đều cho biết đã được nhà trường tuyên truyền, nhưng cho rằng đây chỉ là hành vi sai phạm không nghiêm trọng nên “vô tư” vi phạm.

Trung tá Đinh Thanh Thảo cho biết, có em sau khi bị nhắc nhở còn “cãi” rằng mình đã đội mũ bảo hiểm và đi đúng luật nên “không sai phạm gì”. Trong khi đó, một số học sinh cho biết, việc đi xe của các em được bố mẹ đồng ý.

Chưa hồi kết

Đầu tháng 3 vừa qua Sở GD-ĐT Hà Nội đã phối hợp với CATP và các trường THPT bí mật ghi hình, quay camera chụp ảnh những  học sinh phạm Luật Giao thông đường bộ khi đến trường. 5 trường THPT được phản ánh có số lượng học sinh lái xe máy tới trường đông đã được chọn làm thí điểm.

Với nhiều phụ huynh, biết đi xe máy là sai luật nhưng vẫn phải cho đi vì thời gian biểu đi học của con thông thường từ 6h sáng tới 21h.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến tranh luận lại rằng đó chỉ là những lý do ngụy biện bởi ở độ tuổi của HS cấp 3, đạp xe đi học 10 km cũng chỉ là một hình thức rèn luyện thân thể.

Cũng có ý kiến dung hòa hơn, đề xuất không cấm nhưng học sinh có thể đi xe có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hay dùng xe đạp điện. Nhưng ngay lập tức, bị phản đối vì sự bất tiện và tính “lỗi mốt” của hai loại phương tiện này.

Về việc xử phạt học trò vi phạm giao thông, cô Nguyễn Thị Xuân Mai, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội cho biết: “Trước trường chỉ hạ một bậc hạnh kiểm, nhưng để răn đe trường quyết định hạ hạnh kiểm xuống trung bình ngay với học trò vi phạm lần đầu.

Lần hai tiếp tục hạ một bậc hạnh kiểm, lần sau thì sẽ ra hội đồng kỉ luật. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các em sẽ không đủ điều kiện lên lớp theo quy định”.

Dù là người đích thân “vi hành” phát hiện lỗi đi xe máy sai luật của HS, nhưng cũng như cô Xuân Mai, thầy Nguyễn Hữu Chiệu, Hiệu trưởng Trường THPT Việt – Đức đều cho rằng không thể và không nên cấm học trò đi xe máy tới trường.

  • Văn Chung