Hơn 125 triệu bé gái và phụ nữ trưởng thành trên thế giới đã phải chịu đựng hủ tục ghê rợn, cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục. Theo UNICEF cảnh báo, hủ tục này vẫn còn tồn tại và trong thập niên tới, sẽ có khoảng 30 triệu em gái là nạn nhân tiếp theo.
125 triệu nạn nhân trên toàn thế giới
Nạn nhân mới nhất là cô bé 13 tuổi Suhair al Bata'a. |
Tuần qua, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã công bố một báo cáo khảo sát điều tra tiến hành suốt gần 20 năm qua tại 29 nước Châu Phi và Trung Đông. Theo báo cáo, việc thực hiện hủ tục này đã giảm chỉ còn 1/3 so với trước tại Kenya và Tanzania, giảm còn gần 1/2 ở Benin, Cộng hòa Trung Phi, Iraq, Liberia và Nigeria. Nhưng ở Somalia, Guinea, Djibouti và Egypt Ai Cập), tình hình vẫn không có gì chuyển biến, với tỉ lệ nữ giới từ 14-49 tuổi phải chịu hủ tục này ở mức trên 90%.
Cụ thể, ở Somalia có 98% nữ giới được khảo sát đã phải chịu đựng cực hình này, ở Guinea là 96%, Djibouti 93% và Ai Cập là 91%. Tại Eritrea, Mali, Sierra Leon và Sudan, tỉ lệ này cũng ở mức 88-89%. Tại các nước Chad, Gambia, Mali, Senegal, Sudan hay Yemen, tỉ lệ giảm không đáng kể.
Theo thống kê, trên toàn thế giới có khoảng 125 triệu bé gái và phụ nữ trưởng thành là nạn nhân của hủ tục này. Tuy nhiên, UNICEF cũng chỉ ra dấu hiệu tích cực là nhiều cô gái và phụ nữ trưởng thành, có cả nam giới, đã chống lại hủ tục này. Thậm chí ở Chad, Guinea và Sierra Leone, số nam giới phản đối việc này còn nhiều hơn phụ nữ.
Câu chuyện của Meaza và al Bata'a
Cô bé 14 tuổi Meaza Garedu người Etiopia đã phải trải qua cực hình đau đớn này từ năm 10 tuổi, giờ đang vận động chống lại hủ tục này. “Ở làng cháu có một em gái nhỏ hơn cháu đã không phải chịu đựng việc này vì cháu đã nói chuyện với bố mẹ em. Cháu nói với họ rằng cháu đã đau đớn như thế nào, cháu đã bị tổn thương và mất lòng tin vào bố mẹ ra sao. Họ đã quyết định không để con mình phải chịu đựng những điều như vậy” - Meaza Garedu kể.
Meaza không phải nạn nhân duy nhất sống trong thời hiện đại ngày nay phải chịu đựng một hủ tục có từ xa xưa. Cô bé Ai Cập Suhair al Bata'a 13 tuổi - cũng là nạn nhân như Meaza, nhưng không được may mắn như thế. Suhair al Bata'a đã chết trong khi đang được tiến hành thủ thuật đau đớn này tại một ngôi làng ở phía bắc thủ đô Cairo vào đầu tháng trước.
Cô bé 14 tuổi Meaza Garedu đang vận động chống lại hủ tục này. |
Dù đã bị các tổ chức y tế quốc tế lên án nhiều năm nay, nhiều người dân Ai Cập cũng đấu tranh xóa bỏ hủ tục ghê rợn này, nhưng vẫn có những người ủng hộ, coi đó là một nghi thức tôn giáo. “Chúng tôi được nuôi dạy lớn lên theo các chuẩn mực đạo đức. Đó là cách dạy dỗ tốt, một cách để kiểm soát ham muốn tình dục của các cô gái” - Sameya Mohammad Abdel-Razek, một người sống tại thành phố Giza cho biết.
Tại Ai Cập, hủ tục này bị coi là bất hợp pháp từ năm 2008, nhưng vẫn được tiến hành lén lút ở nhiều nơi. Tại một số vùng quê hẻo lánh, ước tính hơn 75% phụ nữ phải chịu đựng thủ thuật đau đớn này, và nó cũng khá phổ biến ở các vùng ngoại ô. “Tôi đã cho cả 3 đứa con gái của mình thực hiện thủ thuật này khi chúng 11 tuổi” – bà Abdel-Razek cho biết. Cứ mỗi khi có một cô gái phẫu thuật, cả nhà bà Abdel-Razek lại tổ chức tiệc mừng. “Tôi nói với các con rằng đó là việc rất quan trọng, và nó cũng chỉ như cắt amiđan thôi”.
Trên thực tế, thủ thuật này cắt bỏ một phần hay toàn bộ phần bên ngoài của cơ quan sinh dục nữ. Ở một số vùng quê, người ta tiến hành thủ thuật mà không dùng thuốc mê hay thuốc tê. Tại khu vực đông bắc và Tây Phi, nơi hủ tục này diễn ra phổ biến, đã có những trường hợp biến chứng nặng, có cả những bé gái tử vong. Suhair al Bata'a là một nạn nhân như thế.
4 tuổi đã phải chịu thương tổn
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra những thương tổn cả về thể chất và tâm lý mà các nạn nhân phải chịu đựng. Tiến sĩ Naglaa el-Adly - Ủy ban quốc gia về nữ giới của Ai Cập - cho biết, hủ tục có từ thời cổ đại này giờ đang được hợp lý hóa bằng việc coi đó là nghi lễ tôn giáo. “Khi họ nói với các bé gái rằng đó là một nghi thức tôn giáo, cô bé ấy sẽ nghĩ đạo Hồi đang chống lại mình. Vì thế, nhận thức tôn giáo của cô ấy sẽ thay đổi” - tiến sĩ el-Adly phát biểu.
Các lãnh đạo tôn giáo thì đưa ra những thông điệp không rõ ràng về vấn đề này. Có giáo sĩ Ai Cập cho rằng hủ tục này không liên quan đến tôn giáo, nhưng giáo sĩ khác lại ủng hộ. “Đây là yêu cầu từ Thánh Allah, luật Sharia của Allah. Mệnh lệnh của Allah phải được thực thi” – giáo sĩ Yussef al-Badri phát biểu. Giáo sĩ al-Badri tuyên bố rằng các nước Hồi giáo không tiến hành nghi thức này đã bắt chước phương Tây và không sùng đạo, đồng thời khẳng định đó là việc cần thiết cho một xã hội hài hòa. “Việc này giúp các cô gái kiểm soát được ham muốn tình dục, vì phụ nữ thường ham muốn hơn đàn ông”.
Hơn 125 triệu em gái và phụ nữ trưởng thành là nạn nhân của hủ tục ghê rợn. |
Tư tưởng của giáo sĩ al-Badri có ảnh hưởng khá lớn trong xã hội Ai Cập. Bà Sameya Mohammad Abdel-Razek đã nhắc đi nhắc lại những điều bà nghe được từ giáo sĩ al-Badri. Thậm chí, bà còn chẳng quan tâm hủ tục này là bất hợp pháp ở Ai Cập. “Đúng là có luật pháp của con người. Nhưng đó không phải là Sharia – luật của Chúa trời”.
Không chỉ tồn tại ở các nước Châu Phi, Trung Đông và Châu Á, hủ tục này vẫn hiện diện ở một nước phát triển là Anh. Theo Ủy ban Quốc gia chống tội ác với trẻ em của Anh NSPCC, có khoảng 1.700 nạn nhân của hủ tục này được điều trị tại các phòng bệnh đặc biệt, và không chỉ là các phụ nữ trưởng thành nhập cư. Nạn nhân trẻ nhất được điều trị là một cô bé mới 7 tuổi. Dù đã bị cấm ở Anh từ năm 1985, nhưng các thủ thuật này vẫn được tiến hành bí mật, và thường không có thuốc mê, thuốc tê. Một vài bé gái được đưa ra nước ngoài để tiến hành phẫu thuật, một số khác tiến hành ngay tại Anh.
Theo NSPCC, nạn nhân thường ở độ tuổi từ 4-10 tuổi, thậm chí bé hơn. Nữ hộ sinh Comfort Momoh của Bệnh viện Guys and St Thomas's ở London cho biết, người ta chỉ phát hiện ra nhiều nạn nhân của hủ tục này khi họ mang thai và đi khám. “Nhiều người chẳng nhớ gì vì việc này diễn ra khi họ còn quá nhỏ”.
Ước tính, khoảng 66.000 phụ nữ sinh sống ở Anh đã phải chịu đựng cuộc phẫu thuật đau đớn này. Khoảng 20.000 cô gái ở Anh và Xứ Wales dưới 15 tuổi có nguy cơ là nạn nhân của hủ tục này. NSPCC đã lập một đường dây nóng miễn phí 24/24h, khuyến khích người dân thông báo về các trường hợp có nguy cơ phải chịu đựng cuộc phẫu thuật kinh hãi này.
(Theo Lao động)