{keywords}
Chỉ đạo về xây dựng đô thị thông minh là một trong những nhiệm vụ mới được bổ sung cho Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh: tintuc.hues.vn)

Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh.

Bên cạnh Trưởng ban là Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, Ban chỉ đạo này còn có Phó Trưởng ban thường trực là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định và Phó Trưởng ban là Giám đốc Sở TT&TT. Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn có 17 Ủy viên là lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và Chủ tịch UBND TP. Huế.

Một trong những nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, dịch vụ đô thị thông minh.

Ban chỉ đạo cũng có các nhiệm vụ như: Giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn và địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính phủ số, chuyển đổi số và dịch vụ đô thị thông minh; Cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế chính sách, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và dịch vụ đô thị thông minh thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh...

Ban chỉ đạo Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế do Trưởng ban điều hành toàn diện hoạt động. Tổ giúp việc Ban chỉ đạo được đặt tại Sở TT&TT, do Giám đốc Sở làm Tổ trưởng và các Phó Tổ trưởng gồm Phó Giám đốc các sở: Công Thương, Tài chính, KH&ĐT và UBND TP. Huế.

Thừa Thiên Huế hiện nằm trong nhóm không nhiều địa phương đã có chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh mình, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến 2030 vào đầu tháng 6/2020.

Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế xác định rõ tầm nhìn: “Đến năm 2030 Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thiện mô hình chính quyền số, xã hội số. Đô thị thông minh trở thành mô hình phổ biến trong điều hành, vận hành hệ thống quản lý nhà nước và xã hội; kinh tế số trở thành phương thức cốt lõi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Là nền tảng động lực để phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng”.

Tiếp đó, để đảm bảo phù hợp với chương trình chuyển đổi số của tỉnh cũng như Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, ngày 10/8/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh phiên bản 2.0.

Trong nội dung báo cáo Thủ tướng tại sự kiện khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng dịch vụ công quốc gia được tổ chức ngày 19/8, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư cạnh tranh, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua ứng dụng CNTT, tạo đột phá trong chuyển đổi số.

Theo ông Thọ, phương châm Thừa Thiên Huế hướng tới là “4 không 1 có”, bao gồm: làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung nhiều, dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không dùng tiền mặt và luôn luôn có câu hỏi thông tin, dữ liệu được tiếp cận đã được số hóa chưa. 

Trước Thừa Thiên Huế, một số tỉnh, thành phố khác cũng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử theo Quyết định 701 ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo thêm nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh như: Bến Tre, Cao Bằng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Hà Nam, Ninh Thuận, Long An, Lạng Sơn.

Vân Anh

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030

“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được phê duyệt, với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.