Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết sử dụng các sản phẩm thuốc lá kể cả thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra các gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho cả người sử dụng, gia đình và xã hội. Các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.

Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong  sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm.

W-thuocla2-1.jpg
Hút thuốc lá thụ động có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm ở người lớn nói chung và phụ nữ mang thai, trẻ em nói riêng. Ảnh: Minh An

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Ngọc Hoà, khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi An Giang, cho biết hút thuốc lá thụ động có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm ở người lớn nói chung và phụ nữ mang thai, trẻ em nói riêng.  

Hút thuốc lá thụ động là khái niệm để chỉ những người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc trong không khí do người hút thuốc phả ra, đôi khi được hiểu là "môi trường có khói thuốc lá". Tại các nơi cấm hút thuốc lá như trong bệnh viện, trường học, phương tiện công cộng, vẫn còn tình trạng một số người dân bất chấp biển cấm hút thuốc. Đương nhiên, những người ngồi gần đó, kể cả phụ nữ mang thai, trẻ em đều phải hít khói thuốc lá thụ động.

Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm trên thế giới có khoảng 600 nghìn ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Nguyên nhân do khói thuốc chứa hàng nghìn các hóa chất, trong đó có khoảng 250 chất gây ung thư hay chất độc hại. Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em, nhất là phụ nữ mang thai.

Bác sĩ Ngọc Hòa dẫn thông tin theo Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, việc hút thuốc lá thụ động gây ra tác hại còn trầm trọng hơn nhiều lần so với hút thuốc lá trực tiếp, khói thuốc lúc này chưa qua đầu lọc mà đi trực tiếp vào cơ thể con người. Ở người lớn hút thuốc thụ động gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp, các bệnh về tim mạch, nặng nề hơn là ung thư phổi, ung thư vú...

Đối với trẻ em, nếu hít phải khói thuốc lá thụ động, trẻ có nguy cơ mắc các bệnh lý như: triệu chứng về hô hấp, ho, khò khè, dẫn đến nhiễm trùng hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn. Đặc biệt trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tình trạng này càng nghiêm trọng hơn.

Khói thuốc còn gây tác hại cho thai nhi còn trong bụng mẹ. Phụ nữ mang thai nếu sống trong nhà có khói thuốc lá, trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ bị nhẹ cân hơn trẻ bình thường và mắc các bệnh về đường hô hấp; tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, các dị tật bẩm sinh. Chào đời, trẻ phải đối diện với suy dinh dưỡng và chậm phát triển về sau. Đáng chú ý, những đứa trẻ lớn lên với cha mẹ hút thuốc nhiều khả năng cũng sẽ hút thuốc. 

Để tránh nguy cơ hít phải khói thuốc, các bậc phụ huynh nên tránh đưa con em mình đến các nơi công cộng có khói thuốc lá, nên chọn những hàng, quán không cho hút thuốc để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Đối với việc hút thuốc ở nhà, người hút sẽ gây hại trực tiếp đến các thành viên trong gia đình mình. Do đó, không hút thuốc trong nhà là việc làm quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân, theo khuyến cáo của bác sĩ Ngọc Hòa.

Theo Bộ trưởng Y tế, tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023.

Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm. Đồng thời, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi công cộng và nơi làm việc.

Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.

Minh An