Huy động 110 tỷ USD

Theo Ban Chỉ đạo T.Ư các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn lực huy động thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2016 - 2019 tăng 1,84 lần so với cả giai đoạn 2010 - 2015. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí được khoảng 60% so với Nghị quyết của Quốc hội, nhưng đã cao gấp 2,3 lần so với giai đoạn 2010 - 2015.

Nguồn vốn đối ứng của địa phương cao gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, cao hơn gấp 2,8 lần so với yêu cầu của Quốc hội. Nhiều địa phương khó khăn đã tự chủ động cân đối để bố trí nguồn lực đầu tư.

Nguồn vốn tín dụng cao gấp 2,2 lần so với giai đoạn 1, được đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy, hải sản... Đặc biệt, các địa phương đã bố trí đủ vốn để thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản - một trong những tồn tại của giai đoạn 1 gây bức xúc trong xã hội.

{keywords}
Huy động nhiều nguồn lực phát triển nông thôn mới

Bằng nhiều nỗ lực, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã huy động các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM. Theo báo cáo, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của thành phố từ tháng 1/2016 đến hết tháng 4/2019 là 41.417,3 tỷ đồng.

Ngân sách Trung ương 58 tỷ đồng, chiếm 0,2%; ngân sách thành phố 15.792,2 tỷ đồng, chiếm 37,9%; ngân sách huyện 20.893,5 tỷ đồng, chiếm 47,9%; ngân sách xã 1.084,9 tỷ đồng, chiếm 2,8%; vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là 3.581,6 tỷ đồng (đóng góp của nhân dân là 1.646,2 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã 1.356,4 tỷ đồng; các nguồn vốn khác 579,1 tỷ đồng), chiếm 11,1%.

Đáng chú ý, thông qua điều hành linh hoạt, đến hết năm 2017, thành phố Hà Nội không còn nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Tại Nam Định, tỉnh xác định, xây dựng  NTM  trước  hết  phải  xuất  phát  từ  việc  khai  thác  nội  lực,  từ  chính  công đồng dân cư, với phương châm “Người dân là chủ  thể  xây dựng NTM”, “ Nhân dân làm, Nhà nước hỗ  trợ”; các xã, thị  trấn, các thôn, đội và người dân nông thôn phải chủ  động trong xây dựng NTM; không trông chờ,  ỷ  lại vào sự  hỗ  trợ của Nhà nước. 

Đến tháng  7/2019, tổng  số  vốn huy động để  thực hiện Chương  trình  xây  dựng  NTM  là  21.920  tỷ  đồng,  trong  đó:  Vốn  ngân  sách 26,3%, vốn tín dụng  35,9%, vốn doanh nghiệp 11,9 %, vốn  huy  động  từ  cộng đồng dân cư 17,1%, vốn lồng ghép 4,9%, vốn khác 3,8%.

Ngoài ra, các thành phần kinh tế, các hộ dân huy động gần 86.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.

Tương tự, TP Hải Phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động hiệu quả các nguồn lực ngoài ngân sách để xây dựng nông thôn mới; trong đó, nhân dân tham gia đóng góp đạt 6.588 tỷ đồng, chiếm 14%. Huy động tốt nguồn vốn tín dụng đạt 10.613 tỷ đồng, chiếm 23%.

Tại Bến Tre, trong giai đoạn 2011 - 2020, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình đạt 12,4 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước chiếm 36%, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 38%, doanh nghiệp 14% và nhân dân đóng góp 12%.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, giai đoạn 2011 - 2015, cả nước huy động được khoảng 850 ngàn tỷ đồng để đầu tư cho chương trình, trong đó, ngân sách nhà nước chiếm 31,34%, tín dụng 51%. Đến giai đoạn 2016 - 2018, tổng nguồn vốn huy động đã đạt trên 900 ngàn tỷ đồng, vốn tín dụng đạt 62,43%.

Đường địa phương tăng gần 90% sau 10 năm

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), tính đến tháng 5/2019, toàn bộ hệ thống đường bộ cả nước dài 630.200 km, tăng 87,12% so với năm 2010 (dài 336.792 km). Ngoài quốc lộ và cao tốc, hệ thống đường địa phương đã tăng 89,1% so với 10 năm trước (từ 319.569 km lên đến 604.324 km).

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện, kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh, nhiều công trình giao thông nông thôn được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và được thực hiện bảo trì thường xuyên.

Giai đoạn 2010-2019 cả nước xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và bảo trì sửa chữa 345.897 km đường, 31.364 cầu, 125.639 cống; giảm sâu số xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã từ 140 xã năm 2010 xuống còn 13 xã năm 2019; tăng tỉ lệ cứng hóa các loại đường giao thông nông thôn từ 37,9% năm 2010 lên 68,69% năm 2019.

{keywords}
Giao thông nông thôn có nhiều thay đổi

“Số xã đạt tiêu chí về đường giao thông nông thôn đạt 63,2%, vượt kế hoạch trước 1,5 năm so với mục tiêu đặt ra trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tiêu chí giao thông nông thôn về đích trước hạn 1,5 năm”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay.

“Nhiều điển hình tiên tiến tại các địa phương như ở tỉnh Đồng Tháp có 2 người đã vận động nhân dân đóng tiền xây cầu tổng trị giá 20 tỷ đồng, hay như ở Hưng Yên có 2 cá nhân ủng hộ 5,5 tỷ đồng xây đường, ở Tuyên Quang cũng vận động các gia đình trong thôn hiến đất xây đường… Có thể thấy, việc huy động các nguồn lực và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành vận động nhân dân các địa phương đều đã thực hiện tốt nhưng còn cần triển khai tốt hơn nữa”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết.

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, giai đoạn 2010-2019, tổng các nguồn vốn được huy động dành cho giao thông nông thôn là 366.246 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Bộ GTVT huy động để triển khai các chương trình đề án, dự án về giao thông nông thôn là 12.707 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, vốn đối ứng của Chính phủ và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân bằng hình thức xã hội hóa.

Nguồn vốn do các địa phương huy động là 353.539 tỷ đồng, gồm 324.006 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng từ các nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp các địa phương, vốn ngân sách địa phương, vốn ODA của các địa phương, vốn xã hội hóa qua sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, huy động từ nhân dân và hơn 29.530 tỷ đồng vốn bảo trì, từ nguồn của các địa phương cân đối bố trí, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, vốn bảo trì hệ thống đường thủy nội địa.

Bài: Trần Thị Ngọc Châm - nhóm PV
Ảnh: Phạm Duy Linh - nhóm PV