Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất tỉnh, chiếm trên 96% dân số toàn huyện và cũng thuộc nhóm huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất cả nước. Trong thời gian qua, việc  bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn Bình Liêu ngày càng được quan tâm, chú trọng.

Với trên 96% dân số là đồng bào DTTS cùng sinh sống như Tày, Dao, Sán Chỉ... huyện Bình Liêu có văn hóa truyền thống đa dạng, giàu bản sắc dân tộc với các phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, vũ điệu dân gian đa sắc màu. Sự đa dạng này đã mang lại cho huyện một nguồn tài nguyên giá trị về văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc cần bảo tồn và phát triển.

bongda.png
Đội bóng đã nữ dân tộc Sán Chỉ

Ngày 29/6/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU; tiếp đó, ngày 15/9/2016, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 1412/KH-UBND về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu. Điều đó cho thấy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá của đồng bào các dân tộc trên địa bàn được huyện hết sức coi trọng.

Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của mỗi dân tộc là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng, thể hiện bản sắc và không ngừng tái tạo, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn. Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gồm các loại hình tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian.

Bước sang giai đoạn mới, huyện xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu giai đoạn 2020-2030. Trong đó tập trung ưu tiên phát triển văn hóa các DTTS, tạo điều kiện cho cộng đồng tự bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Việc khôi phục, duy trì và phát triển các lễ hội đặc sắc của các DTTS, như Lễ hội đình Lục Nà của dân tộc Tày, Hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ (Sán Chay), Ngày hội Kiêng gió của dân tộc Dao Thanh Phán được chú trọng. Đặc biệt từ năm 2015, huyện tổ chức Hội Hoa sở, ngoài việc quảng bá, phát triển du lịch, đây cũng là dịp để giới thiệu với du khách gần xa về những nét đẹp văn hóa của cộng đồng các DTTS huyện.

Cùng với đó, việc bảo tồn, giữ gìn các làn điệu dân ca truyền thống của các dân tộc, như: Làn điệu Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ (Sán Chay); làn điệu Pả dung của dân tộc Dao; hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày cũng được địa phương coi trọng.

Trên địa bàn huyện hiện có 7 CLB văn nghệ cấp xã, 28 CLB cấp thôn; huyện bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động bảo tồn văn hóa theo phân kỳ ngân sách hằng năm, hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ, kinh phí hoạt động cho các CLB nghệ thuật dân gian (50 triệu đồng/CLB). Huyện khôi phục, duy trì mặc trang phục dân tộc trong các cơ quan hành chính, công sở, trường học..., làm lan tỏa ý thức, hành động gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa sâu rộng trong cộng đồng các dân tộc.

Phụ nữ dân tộc Dao Thanh Y xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên) bán hàng thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Chu Tuân
Huyện Tiên Yên cũng có đông đồng bào DTTS sinh sống, việc phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc được địa phương quan tâm thông qua việc đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa. Huyện đã xây dựng Làng văn hóa dân tộc Tày, thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ; quy hoạch mở rộng, đầu tư nâng cấp Đền thờ Đức ông Hoàng Cần, gắn với xây dựng Làng văn hóa dân tộc Sán Dìu, xã Hải Lạng; duy trì Chợ phiên văn hóa vùng cao Hà Lâu.

Từ nay đến năm 2025, huyện phấn đấu mỗi xã, thị trấn xây dựng, duy trì tối thiểu 1 mô hình tiêu biểu về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương. Cùng với đó là nâng tầm quy mô, chất lượng các lễ hội dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu, đua thuyền truyền thống và nghệ thuật các lễ đặc trưng như lẩu then, cầu mùa, cấp sắc, đại phan, gắn với phát triển du lịch...

Với sự vào cuộc chủ động, tích cực của các ngành, các cấp chính quyền trong tỉnh, hầu hết những di sản văn hóa của đồng bào DTTS, như phong tục tập quán, lễ hội, nghệ thuật dân gian, nghề thủ công truyền thống... được bảo tồn, ngày càng phát huy giá trị, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Để xây dựng nền văn hóa Quảng Ninh giàu bản sắc, thời gian tới tỉnh tập trung bảo tồn văn hóa nói chung và văn hóa truyền thống, văn hóa vật thể và phi vật thể nói riêng; giữ gìn và phát huy đặc trưng tốt đẹp của các DTTS; khắc sâu, nhân rộng những truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Đồng thời đầu tư, tôn tạo các điểm di tích, danh thắng; khôi phục các làng nghề truyền thống, đặc biệt là các di sản văn hóa của cộng đồng các DTTS đang có nguy cơ mai một.

Yên Minh