1. Huyện có tên dài nhất Việt Nam thuộc tỉnh nào?

  • Bình Phước
  • Tây Ninh
  • Bình Dương
  • Đồng Nai
Chính xác

Huyện Dương Minh Châu thuộc tỉnh Tây Ninh là huyện có tên dài nhất Việt Nam. Tỉnh này được đặt theo tên nhà cách mạng Dương Minh Châu (1912-1947), quê ở làng Ninh Thạnh, tổng Hòa Ninh, huyện Châu Thành (nay là phường 1, TP Tây Ninh).

Năm 1946, ông tham gia chống Pháp tại miền Nam, trở thành đại biểu Quốc hội khóa 1 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Tây Ninh. Đến tháng 2/1947, Dương Minh Châu hy sinh trong một trận càn của giặc Pháp tại ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, khi mới 35 tuổi.

2. Trước khi được đặt tên cho huyện, tên ông được đặt cho nơi nào?

  • Làng
  • Dòng sông
  • Căn cứ
Chính xác

Năm 1949, hai năm sau khi Dương Minh Châu hy sinh, căn cứ Trà Vọng được đổi thành tên ông. Căn cứ nằm tại ấp Phước Tân, xã Phước Ninh, đóng vai trò chủ chốt trong phong trào kháng chiến tại Nam Bộ.

Trụ sở đầu tiên của Thông tấn xã Giải Phóng cũng được thành lập tại đây vào tháng 10/1960. Phía Đông căn cứ Dương Minh Châu giáp sông Sài Gòn, giúp quân ta có thể di chuyển sang chiến khu D. Phía Nam là hướng đi qua căn cứ Bời Lời. Phía Tây giáp sông Vàm Cỏ, xuôi xuống hạ lưu, nối liền với chiến khu Đồng Tháp Mười ở Trung Nam Bộ.

3. Dương Minh Châu được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân năm nào?

  • 1954
  • 1975
  • 1980
  • 1998
Chính xác

Trước khi tham gia kháng chiến, Dương Minh Châu từng tốt nghiệp cử nhân Luật và có thời gian làm tham tán luật sư tại Campuchia. Nhờ học thức rộng, ông được tin tưởng, giao phó những nhiệm vụ quan trọng, điển hình là việc kêu gọi đồng bào thuộc nhiều tôn giáo khác nhau tại Nam Bộ cùng chống Pháp.

Tháng 4/1949, Dương Minh Châu được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Đến năm 1998, ông được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Ngoài huyện Dương Minh Châu, nhiều tuyến phố khác tại Tây Ninh, Rạch Giá, Pleiku… cũng mang tên ông.

4. Huyện Dương Minh Châu nằm cạnh hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á nào?

  • Ba Bể
  • Hòa Bình
  • Dầu Tiếng
  • Hồ Lắk
Chính xác

Hồ Dầu Tiếng có diện tích mặt đạt hơn 270km2, được công nhận là hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Hồ tiếp giáp với huyện Dương Minh Châu, đồng thời nằm trên địa bàn ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước.

Hồ Dầu Tiếng hình thành do chặn dòng thượng nguồn sông Sài Gòn, nhiệm vụ chính là điều tiết nước sống, đảm bảo tưới tiêu cho 100.000ha đất nông nghiệp thuộc Đông Nam Bộ. Hồ có ba kênh chính gồm kênh Đông, kênh Tây, kênh Tân Hưng, đưa nước tới 1.550km kênh nhánh tại địa phương. Người dân trong vùng cũng tận dụng diện tích hồ để nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2017, hồ Dầu Tiếng trở thành công trình liên quan tới an ninh quốc gia. 

5. Ngọn núi nào tại Tây Ninh được mệnh danh là “Nóc nhà Nam Bộ”?

  • Núi Trầm
  • Núi Cô Tô
  • Núi Bà Đen
  • Núi Két
Chính xác

Núi Bà Đen là một danh thắng, nằm tại trung tâm tỉnh Tây Ninh, cách thành phố Tây Ninh khoảng 11km. Đây thực chất là một ngọn núi lửa đã tắt, cao nhất miền Nam Việt Nam với 986m.

Trong quá khứ, các khu vực xung quanh núi Bà Đen trở thành nơi giao tranh gay gắt giữa quân Giải Phóng và đế quốc Mỹ, do đây là điểm kết thúc của đường mòn Hồ Chí Minh và cách biên giới Campuchia chỉ vài km.

Hiện quần thể núi Bà Đen được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử, danh thắng cấp quốc gia. Trên núi có chùa Phật, chùa Hang, chùa Hạ, chùa vân Sơn, cùng các động nhỏ như Thanh Long, Ba Cô, Ba Tuần… gắn liền với đời sống tín ngưỡng của đồng bào trong vùng.