Như một định mệnh, kể từ lần đầu tiên ở Cổ Nhuế đến lần cuối cùng ở trường bắn Yên Sở, ông đã thực hiện 170 vụ thi hành án mà không hề xảy ra sai sót đáng kể nào.

TIN BÀI KHÁC

Đến nay tuổi đã ngoài 70, ông vẫn không hiểu sao mình cũng đâu có hệ thần kinh thép khác người mà chừng ấy năm ông vẫn bền chí hoàn thành tốt một trọng trách như thế. Ông là Hồ Như Vọng người mà anh em bạn bè vẫn thường gọi đùa là viên Thượng tá "độc nhất vô nhị" của CSND Việt Nam.
Thượng tá Hồ Như Vọng và Ban Giám thị trại tạm giam CAHN làm việc với Phái đoàn MIA

Căng thẳng đếm từng giây
Thượng tá Vọng kể, vụ ấn tượng nhất đời ông dĩ nhiên là vụ thi hành án tử hình 7 bị cáo do Vũ Xuân Trường cầm đầu tại trường bắn Cầu Ngà.

Trước đó, việc thi hành án tử hình vô cùng vất vả vì toàn phải đi nhờ, có khi phải dùng sức ép từ trên xuống vì không địa phương, cơ quan nào muốn việc đó xảy ra trên đất của mình. Đầu tiên tại Cổ Nhuế, sau đó năn nỉ mãi bên quân đội mới đồng ý rồi về Yên Sở vốn là nơi tập bắn của tân binh. Một tay Hồ Như Vọng làm tất.

Có lần thật hú vía vì thi hành án xong thì đê Yên Sở bị vỡ, nước tràn vào ngập mênh mang trường bắn. Cực nhất là việc xin đất cho lập chính thức trường bắn Cầu Ngà hiện nay. Do lúc đầu không nằm trong quy hoạch nên phải làm thủ tục từ A đến Z. Hồ Như Vọng không nhớ nổi anh phải đi lại mấy trăm lần để gặp gỡ, xin chữ ký giữa CA, UBND TP Hà Nội (thời Phó CT Trương Tùng), bộ CA (thời Thứ trưởng Hoàng Ngọc Nhất) và Chính phủ (lúc còn Phó thủ tướng Trần Đức Lương).

Một việc hệ trọng như thế nhưng đâu phải ai cũng dễ dàng ủng hộ. Xin được phép rồi lại phải tự san lấp mặt bằng vì nơi đây vốn là một khúc sông, sau thành nơi chứa rác thải. ít ai biết rằng ngay lúc đó Hồ Như Vọng đã có ý thức phải đổ riêng một khu đất toàn đất thịt để mai táng các tử tù. Biết điều đó, dù có chậm, chắc hẳn gia đình họ không thể không cảm ơn ông.

Về vụ Vũ Xuân Trường, cũng như mọi vụ thi hành án khác, Thượng tá Hồ Như Vọng phải chuẩn bị trước một ngày trong hoàn cảnh hoàn toàn bí mật. Còn nhớ vụ tử hình Khánh Trắng từ 4 giờ sáng đã có hàng chục xe đi theo từ trại T16 theo ra Hỏa Lò. Không hiểu tin lộ từ đâu ra nhưng rồi vẫn phải ngồi lại kiểm điểm.

Phải chuẩn bị cẩn thận từng li từng tí, từ công tác dò mìn đến sắm cọc tre, sắm dây thừng, từ bó hương hoa, quả trứng, đôi đũa đến quan tài, bia mộ. Ngày trước, quan tài đâu phải dễ mua vì nguyên tắc phải có giấy chứng tử thì BQLNT mới bán. ông Vọng phải nài nỉ vay tạm ứng rồi nộp giấy sau. Chiều tối hôm trước mang quan tài về phải giấu kín một nơi, vụ Vũ Xuân Trường phải chuẩn bị tới 7 cái.

Tất cả cái gì cũng 7. Vị trí từng tử tù từ lúc xếp hàng ra trại tới vị trí tại trường bắn phải đúng theo thứ tự. 1- Vũ Xuân Trường, 2- Đoàn Xuân Xe, 3- Vũ Phong Mã, 4- Nguyễn Trọng Thắng, 5- Bùi Danh Ca, 6- Dương Ngọc Thắng, 7- Lại Thị Ngấn. Hồ Như Vọng chính là người hô khẩu lệnh cho 7 tốp bắn, mỗi tốp 5 tay súng và 1 chỉ huy. "Mục tiêu. Đối tượng. Bắn". 35 phát đạn khô đanh trong rạng sáng mưa phùn ngày 3/3/1998 làm những người chứng kiến không thể quên!

Thượng tá Vọng kể tiếp, đêm ấy ở vị trí thứ 6, người chỉ huy đã phải lần thứ 3 mới hoàn thành nhiệm vụ bắn phát súng nhân đạo chứng tỏ mức độ tâm lý căng thẳng đến mức nào. Vậy mà Thượng tá Hồ Như Vọng đã lặp đi lặp lại nhiệm vụ được giao tới 170 lần trong đời mình!.

Chưa phải đã hết. Tự lòng nhủ lòng "Nghĩa tử là nghĩa tận", thi hành án xong, khi mọi người lục tục vội vã ra về thì Thượng tá Vọng vẫn ở lại. Một mình ông cặm cụi ném từng bao thuốc hút dở, từng đôi dép của người tử tù vào quan tài của họ. Rồi lặng lẽ thay mặt gia đình thắp nhang cầu mong cho họ ra đi nhẹ nhàng dù cho lúc còn sống họ là kẻ từng gây tội ác.

Sau này gia đình được báo đến viếng, ông lại nhiệt tình hướng dẫn đưa ra tận mộ. Mọi gia đình đều vô cùng cảm ơn tấm lòng nhân đạo của ông.
Huyền thoại đời thường
10 năm liền được đơn vị tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, anh em khắp nơi quý mến, các gia dình tử tù ai cũng biết ơn ông đã thay mặt họ lo cho người thân của mình. Về hưu, không giầu có nhưng sống hạnh phúc trên mảnh đất tổ tiên để lại cùng các con trai, con gái và đám cháu nội ngoại ríu rít quây quần thương yêu nhau.

Thiếu gì người giàu có, quyền cao chức trọng mà về hưu vẫn cô đơn. ông thanh thản nhưng đôi lúc cũng có những băn khoăn. Đó là việc bà Thừa, vợ ông nhiều năm đã quá lo cho ông. Có dạo bà còn lên xin với BGĐ để ông thôi làm công việc này. Nhưng công việc đã chọn ông là người duy nhất khó có thể thay thế.

Hơn 30 năm chỉ một mình ông làm và làm tốt. Sau ông đã có 5 cán bộ, được một thời gian lại phải thay thế, dù cho số lượng thi hành án giảm nhiều và mức thù lao mỗi buổi đã cao hơn 50 lần so với lúc ông làm. Cho đến tận bây giờ bà Thừa vẫn không muốn cho ông chụp ảnh cùng đứa cháu nội để đăng báo vì bà bảo "Mafia nó theo dõi trả thù ông thì sao (?)".

Ông vẫn chỉ cười xòa vì ông hiểu bà lo chỉ vì bà yêu thương ông mà thôi. Chính gia đình phạm nhân có lần bức xúc xông vào xỉ vả ông vẫn nén chịu. Đợi khi họ bình tĩnh lại ông mới thẽ thọt: "Nào các bác chửi xong chưa, bây giờ nghe tôi nói nhé! "Nghe xong họ chắp tay xin lỗi và cúi đầu cảm ơn ông.
(Theo Người đưa tin)