Cho dù cuộc khủng hoảng tài chính mang lại hệ quả như thế nào thì nó cũng sẽ thay đổi hoàn toàn Liên minh châu Âu (EU).

Theo tờ Economist, EU chưa từng chứng kiến điều gì tệ hại như đã xảy ra tám ngày qua tại Hy Lạp: các ngân hàng đóng cửa, kiểm soát dòng vốn, lần đầu tiên một quốc gia phát triển không thể trả nợ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, sự thất bại của gói cứu trợ hàng tỉ euro, các kế hoạch trưng cầu dân ý có thể làm tăng tốc quá trình Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng tiền chung (eurozone), và sự khốn khó của người dân.

Chẳng bên nào mong muốn hệ quả mà thảm kịch này mang lại – đó là việc Hy Lạp có thể rút khỏi eurozone. Điều đó sẽ dẫn tới hỗn loạn, bất ổn chính trị và kinh tế. Với phần còn lại của châu Âu, đây sẽ là sụp đổ của một quốc gia ở mạn phía đông nam châu lục.

{keywords} 

Cũng bởi vì kịch bản đó quá khủng khiếp nên châu Âu có vẻ như đã không mấy lo lắng rằng nó có thể trở thành hiện thực. Họ hài lòng với thực tế là Hy Lạp vận hành theo một cách riêng. Yếu tố may rủi và sai lầm lặp đi lặp lại đã làm hỏng các cuộc đàm phán. Nhiều người nói rằng nếu không có Hy Lạp, eurozone có thể đã ổn định hơn.

Đáng buồn là điều này lại không đúng. Nhìn ra ngoài Hy Lạp, xung đột gia tăng bên trong khu vực này là nguy cơ không thể nào tránh khỏi. Hy Lạp ra đi, đồng euro sẽ không thể bị thu hồi, nhưng không ai biết việc không tuân thủ luật chơi nào sẽ dẫn tới việc bị trục xuất.

Sự chia rẽ giữa chủ nợ và chính phủ vay nợ trong các gói cứu trợ cũng không khắc phục nổi. Nếu đồng tiền chung không thể đáp ứng được yêu cầu cải cách thì sẽ còn thêm nhiều Hy Lạp nữa, nhiều sai lầm ngớ ngẩn và nhiều tuần lễ thê lương nữa. Và rồi cả đồng euro và EU cũng bị huỷ hoại.

Những sai lầm

Lập luận này đang bị chính quyền cánh tả Syriza và cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp làm cho tối nghĩa. Cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ Nhật vừa qua nhằm hỏi người dân Hy Lạp đánh giá thế nào về kế hoạch tái cơ cấu nợ của các chủ nợ (mà giờ không còn được đề xuất) và phân tích tính ổn định của các khoản nợ (vốn đòi hỏi trình độ về kinh tế học).

{keywords} 

Thủ tướng Alexis Tsipras nói rằng câu trả lời ‘Không’ sẽ giúp ông có thêm sức nặng khi làm việc với các chủ nợ và do đó giúp giữ chân Hy Lạp trong eurozone. Các chủ nợ lại hiểu rằng việc nói ‘Không’ nghĩa là Athens sẽ ra đi.

Hy Lạp đang cạn tiền. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ chối cấp thêm tiền khiến các ngân hàng trong nước đang chao đảo. Nếu Athens không trả nổi khoản nợ 3,5 tỉ euro (3,9 tỉ USD) cho ECB vào ngày 20/7 này, sức ép sẽ đổ dồn lên phương án Hy Lạp ra đi.

Chính phủ sẽ sớm phải trả các khoản nợ bằng chứng chỉ nhận nợ. Mỗi bước đi này đều khiến kịch bản ra đi khả thi hơn. Hơn nữa, để Hy Lạp trở lại hoạt động bình thường sẽ đòi hỏi tới trí tuệ và kỹ năng – mà do Thủ tướng Tsipras thiếu cả hai yếu tố này nên đất nước của ông lâm vào cảnh thua thiệt.

Nhưng việc bầu cử nên những người cánh tả Syriza vào tháng Giêng vừa qua và chiến lược bên miệng hố chiến tranh của họ không phải là sự ngẫu nhiên. GDP của Hy Lạp giảm ¼ chỉ trong vòng 5 năm qua, thất nghiệp vượt mức 25% và tỉ lệ này ở giới trẻ là gần 50%. Lỗi một phần là do các chủ nợ đã tìm cách giảm thâm hụt ngân sách của Hy Lạp một cách quá mạnh và quá nhanh, nhất là trong những năm đầu tiên.

Tính toán sai lầm của ông Tsipras được thúc đẩy từ căng thẳng ngay trong tâm điểm của dự án euro. Ông Tsipras tin rằng chắc chắn các chủ nợ sẽ nhượng bộ bởi vì họ quyết tâm bảo toàn eurozone. Nhưng các chủ nợ không muốn bị tống tiền bằng những món nợ khó đòi, vì họ cương quyết rằng hệ thống phải có kỷ cương. Ông Tsipras thoả thuận với tư cách là một lãnh đạo quốc gia có chủ quyền, nhưng các lãnh đạo châu Âu ở phía bắc cũng đại diện cho các cử tri, và họ không bao giờ giao kèo với một hệ thống chuyển nhượng lớn mà không có điều kiện.

Trong một hệ thống như vậy thì chính sách bên miệng hố chiến tranh và khủng hoảng là không thể tránh khỏi. Và sự dựa dẫm vào các gói cứu trợ (thường chính sách hoá mọi quyết định) đã làm tình hình thêm trầm trọng.

Những yếu tố đó đẩy bên này vào tình thế đối chọi với bên kia, gây ra tâm lý coi thường trong giới chủ nợ và sự phẫn uất của người đi vay. Các chính sách sáng suốt lại bị biến thành các nhượng bộ chỉ trao cho đối phương vào phút cuối cùng.

Chuyển đổi

Để bảo toàn trước suy thoái, các thành viên eurozone phải tạo các cơ chế tự động, chẳng hạn như bảo hiểm thất nghiệp tập thể, để giúp tạo thêm các nguồn quỹ cho các quốc gia trong thời kỳ suy thoái.

Thay vì các gói cứu trợ, khu vực đồng tiền chung cần thêm quỹ vốn chung cho rủi ro và trách nhiệm – một kiểu ‘trái phiếu châu Âu’ hoặc khoản nợ quốc gia cùng được bảo đảm, dưới sự quản trị của các quy định tài chính ràng buộc chặt chẽ hơn.

Khối này hiểu rõ họ cần thay đổi, chuyển theo hướng liên minh ngân hàng; năm lãnh đạo của khối đã đề xuất cách củng cố đồng euro. Những đề xuất này còn quá khiêm tốn vì các chính phủ đang đau đầu vì các phong trào chống EU, và công dân của họ không đồng tình việc có thể mất đi quá nhiều chủ quyền. Bài học từ thảm hoạ của Hy Lạp chính là châu Âu phải đối diện với các mâu thuẫn của đồng euro, hoặc là gánh chịu các hệ quả từ những tình huống còn tai hại hơn thế này.

Lê Thu