TS. Nguyễn Quân chia sẻ, “chúng ta có quyền hy vọng Vingroup sẽ tạo ra những sản phẩm công nghệ tầm cỡ, có thương hiệu, được thế giới thừa nhận”.

Hiếm có khi nào KHCN lại được dư luận trong nước quan tâm nhiều như trong 1 tuần qua. Đó là 100 tài năng công nghệ trẻ người Việt trên thế giới về nước tham gia các sự kiện kết nối đổi mới sáng tạo Việt; tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố chuyển dịch Vingroup thành Tập đoàn công nghệ trong 10 năm tới.

Cùng với đó, Vingroup ký kết tiếp nhận khoảng 100.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành CNTT trong 10 năm tới; ra mắt 1 công ty công nghệ, 2 quỹ đầu tư phát triển KHCN, 2 viện nghiên cứu công nghệ…

TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH - CN, một người tâm huyết, luôn quan tâm đến sự phát triển của KHCN nước nhà đã có một vài chia sẻ nhân loạt sự kiện trên.

{keywords}
TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH - CN

Hy vọng về những sản phẩm công nghệ tầm cỡ

- Ông đánh giá thế nào về việc Vingroup đầu tư lớn để chuyển dịch sang Tập đoàn công nghệ trong 10 năm tới?

Mấy hôm nay đọc báo tôi biết ông Vượng sẽ đầu tư lớn, quyết tâm đưa Vingroup trở thành tập đoàn công nghệ. Tuy mới chỉ là khởi đầu nhưng ông Vượng có tiềm lực kinh tế mạnh, và cho thấy là người có ý chí, tư duy, tầm nhìn. Khi các doanh nghiệp lớn quan tâm đầu tư phát triển KHCN thì công nghệ nước ta nhất định sẽ có chuyển biến tốt.

Ông Vượng thành lập các viện nghiên cứu, mời được những ‘ngọn cờ’ như GS Vũ Hà Văn về làm Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Bigdata, thì cơ hội cất cánh cho công nghệ cao là rất lớn. Những người như anh Văn có ảnh hưởng lớn, sẽ thu hút được những tài năng công nghệ trong và ngoài nước về làm việc.

Sau khi đã có ‘ngọn cờ’ vấn đề tiếp theo là tạo ra các tập thể khoa học mạnh và tạo lập môi trường làm việc tốt nhất, thuận lợi nhất cho các nhà khoa học. Đây là lợi thế của các doanh nghiệp tư nhân vì họ cónguồn tài chính mạnh và cơ chế thông thoáng.

Như vậy chúng ta có quyền hy vọng Vingroup sẽ tạo ra những sản phẩm công nghệ tầm cỡ, có thương hiệu, được thế giới thừa nhận.

- Có ý kiến đề xuất doanh nghiệp tư nhân cũng nên trích tối thiểu 3%, tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để phát triển KHCN. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Quy định này được ban hành từ năm 2014, áp dụng với các DNNN. Với doanh nghiệp tư nhân, tôi nghĩ chưa cần bắt buộc áp dụng vì trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và hội nhập, sự cạnh tranh rất khốc liệt, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn phải lo tồn tại.

Trong khối tư nhân, doanh nghiệp nào năng động, nhận thức được vai trò của KHCN thì nhà nước khuyến khích họ đầu tư cho KHCN, tiền là của họ, thấy hiệu quả là họ sẽ đầu tư ngay.

Hơn nữa, chỉ cần những tập đoàn lớn như Vingroup đầu tư cho công nghệ thì lĩnh vực này sẽlan tỏa, khích lệ doanh nghiệp khác cùng quan tâm, đầu tư cho công nghệ.

Phát triển thế mạnh CNTT, công nghệ sinh học

- Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, theo ông chúng ta nên ưu tiên đầu tư, phát triển những công nghệ nào?  

Cá nhân tôi cho rằng thế mạnh thứ nhất trước mắt cần tập trung là CNTT, bao gồm phần mềm, trí tuệ nhân tạo, bigdata, blockchain, internet vạn vật…, vì lĩnh vực này chủ yếu phụ thuộc vào chất xám,không đòi hỏi quá nhiều vốn đầu tư, mà trí tuệ của người Việt chắc chắn không thua kém các quốc gia khác.

Thứ hai là công nghệ sinh học theo hướng thông minh,ứng dụng trong y tế và nông nghiệp. Vì dân số nước ta đứng thứ 13 thế giới, nhu cầu bảo vệ sức khỏe nhân dân rất lớn, và cho đến nay cơ bản chúng ta vẫn là một nước nông nghiệp. Nhu cầu công nghệ đột phá ở 2 lĩnh vực này rất lớn.

Tôi rất mừng khi Vingroup đang đầu tư vào cả 2 thế mạnh trên. 

Đặc biệt, nhà nước cần đầu tư để khôi phục ngành cơ khí chế tạo và vật liệu, nhất là một số vật liệu thiết yếu cho nền kinh tế như vật liệu hợp kim, chịu nhiệt, bán dẫn, polyme..., và phải có năng lực chế tạo máy cái cho nền kinh tế, nhất là robot, phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị siêu trường siêu trọng…

- Ông kỳ vọng vào khối doanh nghiệp nào trong việc tạo bước đột phá công nghệ, nâng cao vị thế của Việt Nam?

Cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp ở cả 3 khối doanh nghiệp DNNN, FDI và tư nhân. Nhưng tôi tin khối tư nhân sẽ làm thay đổi vị thế đất nước do tính hiệu quả của nó, nhất là khi Vingroup xác định công nghệ là lĩnh vực quan trọng nhất của Tập đoàn này.

Khối kinh tế tư nhân rất năng động, sáng tạo. Thực tế cho thấy, một số tập đoàn tư nhân và DNNN (sau khi cổ phần hóa) đã có những bước tiến vượt bậc nhờ áp dụng công nghệ.

- Xin cảm ơn ông!

Thiên Lam (thực hiện)