Tân chủ tịch IMF Christine Lagarde cảnh báo kinh tế thế giới đang trong “giai đoạn nguy hiểm mới” và nhà chức trách các nước cần đề ra các giải pháp mới để củng cố tăng trưởng kinh tế.

Trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo tài chính thế giới vừa qua ở Jackson Hole, Wyoming, bà Lagarde bày tỏ quan điểm, nước Mỹ nên xử lý triệt để vấn đề giá bất động sản, còn các ngân hàng thương mại châu Âu phải đẩy mạnh dòng vốn để ngăn khủng hoảng nợ công lan rộng hơn nữa. Cả Mỹ và Liên minh châu Âu EU đều cần chính sách chi tiêu chặt chẽ trong thời gian dài. Bà nhấn mạnh, “Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ nền kinh tế đang phục hồi sẽ lại tuột dốc. Vì vậy, chúng ta phải hành động ngay bây giờ”.

Bà cũng cho biết thêm, nguy cơ này rất có thể thành hiện thực, nhất là do sự suy giảm niềm tin của dân chúng vào các nhà hoạch định chính sách - những người hiện đang nhận nhiều chỉ trích là không đủ tin cậy, hay chưa sẵn sàng để đưa ra các quyết định cần thiết.

 “Các cuộc đua đang căng thẳng”

Khủng hoảng kinh tế là vấn đề nổi bật trong cuộc họp kéo dài ba ngày của các lãnh đạo, nhất là sau khi Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Bernanke khẳng định Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn có các công cụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng lại không đề cập tới các công cụ đó là gì hay khi nào chúng được sử dụng.

Hiện châu Âu đang cố gắng kiểm soát khủng hoảng nợ công trong khi nhiều ngân hàng bị đẩy tới hoặc có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Nếu không tái vốn hóa khẩn cấp, theo bà Lagarde, “khủng hoảng có thể lan rộng ra các nước khác”.

Kinh tế thế giới đang trong “giai đoạn nguy hiểm mới” và nhà chức trách các nước cần đề ra các giải pháp mới để củng cố tăng trưởng kinh tế.
Cần tái cấu trúc vốn

Bà Lagarde, vốn là cựu bộ trưởng tài chính Pháp, cho rằng việc tái cấu trúc vốn cần được diễn ra trên quy mô lớn. Các ngân hàng nên tìm kiếm nguồn tiền trước hết trong thị trường tài chính và sau đó nếu cần là tiền mặt từ dân chúng, bao gồm cả khoản 440 tỷ Euro tiền quỹ hỗ trợ tài chính châu Âu.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB Jean-Claude Trichet đồng tình quan điểm của bà Lagarde về việc các ngân hàng cần quản lý chặt chẽ bảng cân đối tài sản, đồng thời nhấn mạnh bất cứ ý kiến nào về khủng hoảng thanh khoản là “sai lệch”, bởi ECB đã và đang có các kế hoạch giúp đỡ các ngân hàng các khoản tiền mặt trong khoảng thời gian tối đa 6 tháng.

Trong hội thảo ở Jackson Hole, Trichet tránh đi sâu vào khủng hoảng nợ công ở châu Âu; thay vào đó, ông đề cập tới vấn đề đồng tiền chung châu Âu Euro. Theo ông, các nước thành viên đang có quá nhiều ý kiến khác nhau về việc sử dụng đồng tiền này. Ông dẫn ra kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy châu Âu vẫn đang phát triển rất nhanh - đạt tốc độ gần bằng Mỹ, còn số lượng việc làm mỗi năm trong thập kỉ vừa qua thì nhiều hơn cả quốc gia có nền kinh tế số 1 thế giới.

Và sử dụng hiệu quả chính sách tiền tệ

Các ngân hàng trung ương các quốc gia cần thi hành chính sách tiền tệ hiệu quả hơn, nhằm mục đích chính là “trợ giúp”, bởi nguy cơ khủng hoảng kinh tế mới hiện hữu rõ nét hơn nguy cơ lạm phát cao. Đồng thời, các ngân hàng cần sẵn sàng cho những bước ngoặt không mong đợi của thị trường. FED gần đây cũng đã cam kết giữ tỉ lệ lãi suất gần mức 0 ít nhất cho tới giữa năm 2013.

Các nền kinh tế đang phát triển cũng đóng vai trò quan trọng, bà Lagarde nhấn mạnh, và bày tỏ quan ngại một số quốc gia đang giảm thiểu nhu cầu hàng hóa nội địa cũng như có những chính sách khiến đồng tiền của một số quốc gia đang yếu đi. Những bước đi như thế sẽ là rào cản lớn ngăn các nền kinh tế đang lên đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế thế giới.

Box: Người đều cần nhận thức rằng họ không thể tách mình khỏi kinh tế toàn cầu. Nếu các cường quốc không thoát ra khỏi khủng hoảng được, thì các nền kinh tế đang phát triển cũng sẽ chịu tổn thất nặng nề.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 8 tại Mỹ giảm 14,7 điểm so với tháng 7, xuống 44,5 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009.

Đây cũng là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2008.

Tại Mỹ, tiêu dùng chiếm đến 70% nền kinh tế nên khi chỉ số niềm tin sụt giảm sẽ dẫn theo các chuyển biến tiêu cực đối với nền kinh tế, làm tăng nguy cơ suy thoái trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn trên 9%. 

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ giảm do lãi suất chuẩn giảm từ 2,26% xuống còn 2,17% vào cuối này hôm qua. 

Không chỉ người tiêu dùng tại Mỹ mà người tiêu dùng tại nhiều quốc gia lớn khác cũng giảm niềm tin đối với triển vọng kinh tế. 

Niềm tin người tiêu dùng châu Âu giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2008, xuống còn 98,3 điểm trong tháng 8 so với 103 điểm của tháng 7 trước đó. 

Còn tại Anh, niềm tin tiêu dùng trong tháng 8 giảm 2 điểm, xuống còn 49 điểm trong tháng 7, thấp nhất trong 3 tháng. Đánh giá triển vọng trong 6 tháng tới của người tiêu dùng cũng giảm 3 điểm, còn 67 điểm.

(Tổng hợp)

 Hoàng Nguyễn (Theo Bloomberg)