Indonesia nên sử dụng các diễn đàn khu vực và vị trí lãnh đạo của mình tại ASEAN để giúp làm dịu căng thẳng giữa Trung Quốc và các láng giềng Đông Nam Á xung quanh chuyện tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, một chuyên gia khuyến cáo.
Chuyên gia ASEAN Dewi Fortuna Anwar đã nhấn mạnh những ý tưởng có thể được sử dụng để làm giảm tranh chấp căng thẳng Biển Đông. Mục tiêu chính, bà nói, là các bên chủ chốt không nên giải quyết tranh chấp thông qua đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các bên nên thúc đẩy hội đàm và hợp tác.
Ảnh: Wordpress
Trung Quốc và ASEAN đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002. Tuyên bố này nghiêm cấm việc xây dựng ở các khu vực không có người ở hoặc có tranh chấp. Tuy nhiên, gần đây, quan chức Philippines đã phản đối việc Trung Quốc phá vỡ tuyên bố bằng những hoạt động thực hiện ở một khu vực không có người ở thuộc phạm vi chủ quyền của Manila.
Nếu không có một thỏa thuận ràng buộc thích hợp, sẽ rất khó để giải quyết căng thẳng leo thang giữa các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. “Khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng biển này, thì tranh chấp sẽ còn tiếp tục”, Dewi nhấn mạnh.
Khi được hỏi Indonesia có thể đóng vai trò nào, giám đốc điều hành Trung tâm Habibie - Rahimah Abdulrahim cho biết: “Indonesia không nên đổ thêm dầu vào lửa, họ nên duy trì tính khách quan trong cuộc tranh chấp này”. Tuy nhiên, theo Dewi, cần một phân tích chi tiết hơn với các bên liên quan ở Biển Đông.
“ASEAN cần tiến hành hoặc làm sống lại một cuộc thảo luận hay hội thảo về Biển Đông như một phần của Biện pháp xây dựng lòng tin CBM và xác định các lĩnh vực hợp tác. Cuối cùng, tranh chấp chủ quyền cần gác lại, và một nỗ lực cho phương pháp mới để cùng phát triển và quản lý Biển Đông nên được nghiên cứu”, bà nói.
Theo các chuyên gia, Indonesia, với tư cách chủ tịch ASEAN, cần hỗ trợ tích cực trong việc ngăn chặn tranh chấp diễn ra bằng cách tiến hành một diễn đàn đa phương. Họ nói, diễn đàn nên bao gồm tất cả các nước liên quan tới tranh chấp và cần đạt được thỏa thuận có lợi cho tất cả các bên. “Indonesia cần nỗ lực khuyến khích Trung Quốc đàm phán đa phương chứ không phải song phương, để các biện pháp xây dựng lòng tin có thể được tăng cường và những hiểu nhầm sẽ giảm bớt”, Dewi nói.
Trước đó, đầu tháng 6, khi căng thẳng ở Biển Đông leo thang, Indonesia đã thúc giục tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông kiềm chế và trở lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
“Sự leo thang của một số vụ việc ở Biển Đông nhấn mạnh tầm quan trọng với cả ASEAN và Trung Quốc rằng cần lập tức trở lại với những nguyên tắc trong nỗ lực thực hiện DOC, tất cả các nguyên tắc đã được nhất trí cần được thực hiện đầy đủ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Michael Tene nói.
Ông nhấn mạnh, một tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo ASEAN được nhấn mạnh tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN 18 tổ chức ở Jakarta đầu tháng trước, đã thúc giục các bên tranh chấp - Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia - nhanh chóng ký kết các nguyên tắc, và bắt đầu đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử. “Tất cả các bên cần tôn trọng lẫn nhau, giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hòa bình bằng cách duy trì các nguyên tắc trong Công ước LHQ về Luật biển và kiềm chế để không leo thang bạo lực”, ông Michael nói.
Thái An (Theo jakartapost)