Công dân Trung Quốc bị bắt giữ sau cuộc đột kích vào một căn nhà ở Batam. Ảnh: AP

Cảnh sát cho biết, các đối tượng này hoạt động ở Indonesia, lừa đảo bằng cách giả vờ có tình cảm với nạn nhân và lừa họ gửi tiền.

“Lừa đảo yêu đương là một loại tội phạm có tổ chức với số tiền đầu tư rất lớn. Lợi nhuận từ tội phạm này cũng rất lớn”, ông Krishna Murti, người đứng đầu bộ phận quan hệ quốc tế của cảnh sát Indonesia nhận định.

Cảnh sát cho biết băng đảng này đã lừa các nạn nhân hơn 20 tỷ rupiah (31,6 tỷ đồng) trong khoảng 1 năm hoạt động ở Indonesia.

Ông Krishna tiết lộ, cảnh sát Indonesia và Bộ Công an Trung Quốc đã hợp tác để giải quyết vụ án này.

Được biết, các nghi phạm bị bắt ở đảo Batam thuộc mạng lưới quốc tế nhắm vào người Trung Quốc thông qua các mạng xã hội và ứng dụng hẹn hò. Các nạn nhân không thể nói được tiếng Anh hay tiếng Indonesia.

Ông Krishna cho biết hãng hàng không China Southern Airlines đã chở các nghi phạm về nhà trên 3 chiếc máy bay đi từ sân bay Hang Nadim ở Batam, gần Singapore, cùng với 300 cảnh sát Trung Quốc.

Các nghi phạm dự kiến sẽ phải đối mặt với cáo buộc hình sự ở quê nhà.

Cảnh sát cho biết những kẻ lừa đảo này đã xâm nhập Indonesia dần dần bằng đường hàng không và đường biển nhờ thị thực du lịch. Chúng chọn Batam làm căn cứ vì đây là khu vực biên giới, có thể dễ dàng chạy trốn bằng đường biển. Tính đến thời điểm bị bắt, các nghi phạm đã ở Indonesia được khoảng 1 năm.

Lừa đảo tình cảm là một dạng tội phạm mạng giả vờ rằng họ đang có mối quan hệ yêu đương với một người mà họ gặp trên mạng, sau đó yêu cầu người kia đưa tiền hoặc thông tin cá nhân.

Năm nữ nghi phạm trong số những người bị trục xuất đã sử dụng các cuộc gọi video ghi lại hành vi tình dục của nạn nhân để tống tiền. Zahwani Pandra Arsyad, phát ngôn viên cảnh sát quần đảo Riau cho biết, nghi phạm đe dọa sẽ tung các đoạn video lên mạng nếu không được trả tiền. 

Một nhà phân tích an ninh mạng cho rằng các cơ quan chức năng nên chú ý hơn đến loại lừa đảo này vì nhiều người đã trở thành nạn nhân.

Nhà phân tích Pratama Dahlian Persadha chia sẻ với tờ BenarNews: “Chúng có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các video và hình ảnh giả mạo, đồng thời đánh lừa những nạn nhân thiếu hiểu biết về kỹ thuật số”.

Năm ngoái, Trung tâm phân tích và báo cáo giao dịch tài chính Indonesia đã báo cáo việc phát hiện các giao dịch trị giá hàng tỷ rupiah từ các trường hợp lừa đảo trực tuyến.

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, các hoạt động lừa đảo qua mạng đang gia tăng khắp Đông Nam Á, với hàng trăm nghìn người được cho là có liên quan - một số người tự nguyện, một số không. Mục đích của những kẻ lừa đảo là dụ dỗ, đánh cắp hoặc tống tiền hàng tỷ USD hàng năm từ các nạn nhân.