- Những mâu thuẫn nảy sinh giữa các ISP gần đây xuất phát từ vấn đề cạnh tranh, quyền lợi nên các doanh nghiệp khó lòng tự thỏa thuận với nhau. Chính vì vậy, sự can thiệp từ Bộ TT&TT là rất cần thiết.

{keywords}

Phát biểu tại Hội thảo Kết nối Internet và Kết nối giữa doanh nghiệp di động với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung sáng 10/7, ông Hà Thế Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CMC xác nhận việc giữa nhiều ISP thời gian qua đã xảy ra tranh chấp, xung đột quyền lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào cũng có cái lý của mình nên khi đối thoại với nhau để tự tìm giải pháp khắc phục thì đều bị vướng mắc.

Trong trường hợp này, vai trò trọng tài phân xử của Bộ TT&TT là điều mà thị trường thực sự đòi hỏi, ông Minh nhấn mạnh. "Bộ TT&TT chỉ cần đưa ra một nguyên tắc chung - dù không thể làm hài lòng tất cả các bên nhưng mọi người đều chấp nhận và tuân thủ". Chẳng hạn như cơ chế liên quan đến giá thành, chất lượng cần được quy định rõ, để tránh những tranh cãi mà theo ông Minh là "sẽ không thể có hồi kết" giữa các doanh nghiệp.

Chia sẻ quan điểm với CMC, đại diện FPT cũng khẳng định việc điều tiết thị trường dựa trên quản lý Nhà nước là "thực sự cần", và Bộ TT&TT cần xây dựng một khung quy định giá thành để các ISP có thể căn cứ vào đó mà thỏa thuận giá cước kết nối với nhau, hạn chế tối đa những tranh cãi đã mắc phải như thời gian qua.

Tuy vậy, đại diện NetNam lại cho rằng, nên tiếp cận vấn đề từ góc nhìn của thị trường Internet chứ không nên áp theo mô hình của viễn thông. Theo đó, Bộ chỉ nên can dự trong ngắn hạn, còn về lâu dài sẽ để cho thị trường tự phát triển.

Trên thực tế, quan điểm của Bộ TT&TT đối với việc quản lý thị trường kết nối Internet là phải tiếp cận "mềm mại", bởi trên thế giới, ít có nước nào lại quy định quá chặt về Internet nói chung và kết nối Internet nói riêng, vì nguyên tắc của quản lý Internet là hoàn toàn để cho thị trường tự quyết định, Chính phủ các nước chỉ giữ vai trò định hướng. "Bàn tay vô hình của thị trường linh động hơn các chính sách quản lý cứng rất nhiều", Thứ trưởng Lê Nam Thắng từng khẳng định trong phiên họp với Cục Viễn thông hồi cuối tháng 6. Nói cách khác, Thông tư về Kết nối Internet cần phải được xây dựng "mềm mại" để doanh nghiệp có quyền lựa chọn các phương án, đồng thời hài hòa được giữa vấn đề kỹ thuật và bài toán kinh tế.

Tranh cãi quanh mô hình VNIX

Mô hình hoạt động của Trung tâm trung chuyển Internet quốc gia - VNIX cũng là câu hỏi được đặt ra nhiều lần tại Hội thảo. Liệu VNIX nên giữ nguyên mô hình như hiện nay là chỉ cung cấp dịch vụ kết nối hay sẽ hoạt động như một sàn giao dịch (các ISP, CP kết nối tới VNIX và thỏa thuận việc kết nối với nhau, chỉ trả phí sàn cho VNIX). Hoặc liệu có nên kết hợp cả 2 phương thức trên?

Trước đó, một số doanh nghiệp đã đề nghị cơ quan quản lý xem lại các điều khoản về kinh tế, kỹ thuật trong kết nối giữa DN với VNIX do có nhiều điều khoản chưa hợp lý, ông Giang Văn Thắng, Trưởng phòng Kỹ thuật của Cục Viễn thông cho biết.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, vấn đề kết nối qua các trạm trung chuyển (IX) nói chung và VNIX nói riêng là một điểm mới quan trọng trong Nghị định thay thế Nghị định 97. Tuy nhiên, cần xác định rõ vai rò, vị trí của VNIX và mô hình kết nối tổng thể thì từ đó Bộ TT&TT mới có thể xây dựng được các quy định đúng hướng về hoạt động của tổ chức này.

Hiện tại, theo quy định thì nhiệm vụ của VNIX gồm có bảo đảm dự phòng cho mạng Internet quốc gia, hỗ trợ kết nối với các IX khu vực và quốc tế, hỗ trợ kết nối các DN. Các hoạt động của VNIX được chính phủ quy định là phi lợi nhuận, nhưng có rất nhiều kiểu phi lợi nhuận khác nhau. Làm sao để mô hình của VNIX không gây méo mó thị trường là một bài toán cần đặt ra. Nếu VNIX thu phí quá ít thì thành phá giá thị trường, cạnh tranh với các ISP nhưng nếu thu phí đắt quá thì lại thành kinh doanh có lãi và không hỗ trợ được doanh nghiệp, Thứ trưởng phân tích. Theo Thứ trưởng thì VNIX nên hoạt động như một sàn giao dịch bất động sản để các DN có thể đàm phán, thỏa thuận đa phương với nhau.

Đồng quan điểm với Bộ TT&TT, ông Nguyễn Văn Hải, đại diện VDC khẳng định VNIX nên kiêm cả vai trò của sàn giao dịch thì mới có thể trở thành công cụ điều tiết thị trường hiệu quả.

Tuy nhiên ông Vũ Hoàng Liên, đại diện Hiệp Hội Internet Việt Nam kiến nghị rằng, VNIX chỉ nên giải quyết vấn đề trung chuyển chứ không nên kinh doanh các vấn đề khác. Tuy nhiên, Trung tâm này có thể hỗ trợ doanh nghiệp dưới nhiều hình thức, không chỉ riêng kết nối mà cả tư vấn, R&D, ứng cứu, khắc phục khủng hoảng... Đồng thời, ông Liên cũng gợi ý khả năng xã hội hóa đầu tư vào VNIX khi có những cơ chế cho phép ISP được tham gia đầu tư vào Trung tâm này.

Quan điểm của Hiệp hội là không bắt buộc tất cả các ISP đều phải kết nối vào VNIX mà chỉ những ISP nào đang kinh doanh trung chuyển dung lượng hoặc có thị phần trên 10%, hoặc chỉ nên bắt buộc với 3 ISP lớn nhất thị trường mà thôi.

Trọng Cầm