Theo các nhà  nghiên cứu, tác động của biến đổi khí hậu là một trở ngại đáng kể mà khu vực ASEAN sẽ phải tính đến. Họ cũng đưa ra hàng loạt những vấn đề về môi trường mà nông dân sản xuất quy mô nhỏ trong khu vực đang và sẽ phải đối mặt như: Chất lượng đất, quản lý dịch hại, năng suất cây trồng và cơ hội thương mại nông sản.

Hạn hán có năm làm giảm 20-30% năng suất cây trồng, giảm sản lượng lương thực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chăn nuôi và sinh hoạt của người dân. Những đợt hạn hán và nóng kéo dài liên tiếp xảy ra ở khắp các vùng trong cả nước những năm gần đây cho thấy mức độ gia tăng ngày càng lớn của tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, El Nino có khả năng kéo dài từ tháng 6 tới hết năm 2023, duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 80 - 90%. Vì vậy, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn là rất cao.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, tổng lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm.

Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay hiện tại thời điểm cuối tháng 5/2023, nguồn nước trữ tại các hồ chứa ở Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ chỉ đạt khoảng 40 - 50% dung tích thiết kế, mực nước tại các hồ chứa ở Trung Bộ chỉ đạt khoảng 50 - 70% so với dung tích thiết kế.

Với các nhận định tác động của El Nino, Cục Thủy lợi đánh giá nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở cấp độ cao (cấp độ 3-4), trên phạm vi rộng, kéo dài ở một số vùng trên cả nước, đặc biệt tại các khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Trung Bộ và Đông Nam Bộ từ mùa khô năm 2024 đến năm 2025.

Hạn hán kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ hoang mạc hóa ở một số vùng, đặc biệt là vùng Nam Trung Bộ, vùng cát ven biển và vùng đất dốc thuộc trung du, miền núi, gây ra những hệ lụy đáng kể đối với phát triển bền vững ở Việt Nam.

Việc ứng dụng IoT trong quản lý nước đang được coi là giải pháp cần thiết và hiệu quả trong thời đại hiện nay. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã và đang áp dụng công nghệ IoT để quản lý nguồn nước một cách hiệu quả.

Chẳng hạn như tại Singapore, hệ thống Smart Water Grid được triển khai từ năm 2011 đã góp phần giảm thiểu đáng kể lượng nước bị thất thoát và nâng cao hiệu quả sử dụng nước. Tại Israel, công nghệ tưới tiêu thông minh cũng đã giúp tiết kiệm tới 40% lượng nước sử dụng cho việc tưới cây.

Tại Việt Nam, việc ứng dụng IoT trong quản lý nước vẫn còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, sự nhận thức về tầm quan trọng của việc quản lý và sử dụng nước hiệu quả, cùng với sự phát triển của công nghệ đã tạo ra động lực thúc đẩy việc áp dụng IoT trong lĩnh vực này. Một số thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng đã và đang triển khai các dự án thí điểm ứng dụng IoT trong quản lý nước.