Trong một bài phỏng vấn, Tim Cook từng phát biểu: “Tôi nghĩ rằng cần nhắc nhở mọi người làm kinh doanh một điều: bạn phải luôn luôn đổi mới và không đổi mới có nghĩa là chết”. Thế nhưng, sau sự kiện giới thiệu 2 sản phẩm iPhone 7 và iPhone 7 Plus chỉ cách đây mấy ngày, nhiều người tự hỏi Apple có còn là một công ty luôn đổi mới và đi đầu nữa không hay chỉ là một kẻ “ăn mày dĩ vãng”".

Hầu hết thông tin về sản phẩm này đều bị rò rỉ trước ngày ra mắt và trong sự kiện bạn vừa xem thì gần như là chẳng còn gì quá ấn tượng. Tất cả những tính năng mới không có gì đột phá mà iPhone7/7Plus chỉ là một bản nâng cấp của sản phẩm cũ mà thôi. Hãy cùng điểm lại những điểm mới trên chiếc iPhone 7/7Plus:

Module camera mới

Đương nhiên, chưa có một chiếc iPhone nào sở hữu camera lên tới 12 MP, nhưng chẳng ai biết rõ camera mới có thực sự “ăn đứt” camera cũ không cho đến khi nào được thực sự trải nghiệm sản phẩm.

Nhưng 12MP cũng chẳng là gì khi so sánh với các sản phẩm Android khác mà từ lâu đã cho ra đời những chiếc smartphone với số “chấm” lên tới 20MP. Vậy nên camera 12MP không phải điều gì quá lớn lao và đột phá. Đấy là chưa kể đến phần mềm dành cho camera của chiếc iPhone 7 sẽ xuất hiện trên tất cả những chiếc iPhone khác khi bản cập nhật  iOS 10 chính thức xuất hiện.

Loại bỏ audio jack

Một cuộc cách mạng? Chắc chắn là không. Nói trắng ra, việc loại bỏ khe cắm audio để sau đó bán kèm một đôi AirPods với giá “cắt cổ” chính là một mánh khóe quảng cáo không hơn không kém.

Nhìn chung bạn sẽ thấy đôi tai nghe AirPod của Apple chẳng có bất cứ đột phá gì về mặt công nghệ, nó đơn thuần chỉ là đôi tai cũ sau đó cắt bỏ đoạn dây cắm đi, có vậy thôi. Dĩ nhiên chúng ta đánh giá cao tầm nhìn của Apple về công nghệ không dây nhưng từng đó chưa thể gọi là đột phá.

Super Mario Run và những tính năng khác

Một trong những bất ngờ lớn nhất được công bố đó chính là việc Nintendo bước vào ngành game di động. Tuyên bố này trên sân khấu của Apple có vẻ như trái ngược với lời thề không bao giờ dấn thân vào mảng game di động mà hãng đưa ra trước đó. Dường như những gì xảy ra với Pokemon Go đã khiến công ty xem xét lại điều này.

Chưa rõ việc bắt tay với Apple có thể giúp gì cho Nintendo không khi mà có hàng triệu đối thủ khác với những tựa game chạy đã đi vào lịch sử như Temple Run, Subway Suffer, Sonic Dash đi trước Nintendo quá xa.

So sánh với những chiếc điện thoại tuyệt với khác có thông số và mức giá tương tự, iPhone chỉ có một vài điểm khác biệt như các lựa chọn bộ nhớ trong, camera trước và sau, cùng khả năng chịu nước và bụi được cải thiện. Nhìn chung, sản phẩm này không có gì mới mẻ cả. Một tính năng được iPhone tự hào giới thiệu đó là khả năng chống nước và bụi thì đã xuất hiện trên quá nhiều những sản phẩm khác từ rất lâu.

Vậy Apple có nên tự nhận mình là “đột phá” nữa không?

Apple luôn nằm trong danh sách những Công ty cải tiến nhất do The Boston Group (BCG) bầu chọn kể từ khi ra đời năm 2005. Apple luôn được cho là người dẫn đầu, người tạo ra những đổi mới. Không ai có thể phủ nhận những đột phá mang tính cách mạng của Apple từ cái thời của Macintosh I & II, chiếc iPhone, iPod, MacBook và các phần mềm tuyệt vời như iTunes, Siri, đa điểm chạm...

Tuy nhiên, tất cả chỉ là chuyện trong quá khứ và giờ đây, trong năm 2016, Apple có còn là người tạo ra đột phá? Hãy cùng xem xét kỹ lại cách thức xếp hạng của BCG. 60% việc xếp hạng bị ảnh hưởng bởi 1.500 lãnh đạo cấp cao từ nhiều ngành khác nhau trên thế giới, bỏ phiếu cho những công ty mà họ cho là đổi mới nhất bên trong và bên ngoài ngành. 40% việc xếp hạng được tính dựa trên mức tăng trưởng trong vòng 5 năm của công ty trong tổng lợi nhuận của cổ đông. 

Tóm lại, phương pháp của BCG đánh giá công ty dựa trên việc nhìn nhận, không phải dựa trên những đóng góp của công ty đó cho những đột phá trong tương lại.

Trang Forbes cũng tiến hành một nghiên cứu để xếp hạng những nhà đổi mới và tại đó, Apple xếp thứ 282. Chưa kể đến việc Apple chỉ đứng thứ 11 trong số những công ty sở hữu số bằng sáng chế nhiều nhất năm 2015.

Xin được nhắc lại lời tuyên bố của Tim: "Bạn phải luôn luôn đổi mới, và không đổi mới có nghĩa là chết". Nếu đúng như vậy, phải chăng Apple sắp chết? Nếu Steve Jobs còn sống, liệu ông có chấp nhận để Apple trở thành kẻ "ăn mày dĩ vãng" như ngày nay không?