Đại lý bán lẻ thay mặt bên thứ 3 thu cũ iPhone. Ảnh: Apple. |
Thu cũ - đổi mới trở thành chính sách bán hàng được các hệ thống bán lẻ trong nước đẩy mạnh thời gian qua. Tuy nhiên, đại lý không trực tiếp giải quyết thiết bị nhận lại từ người dùng. Doanh nghiệp sẽ giao lại cho một đơn vị bên thứ 3 xử lý, làm mới và cung ứng ra thị trường.
Trả lời Zing, đại diện FPT Shop cho biết công ty không trực tiếp xử lý lượng thiết bị thu cũ từ khách hàng. Một đơn vị khác sẽ thực hiện việc đó.
Tương tự, ông Tuấn Minh, quản lý ngành hàng Apple của Hoàng Hà Mobile chia sẻ đại lý này hợp tác cùng Comp Asia, một doanh nghiệp chuyên thu cũ, tân trang điện thoại có trụ sở tại Singapore để nhập sản phẩm thu lại.
Bên cạnh Comp Asia, các nhà bán lẻ tại Việt Nam còn hợp tác với SKTEL, một đơn vị có công năng tương tự.
Sản phẩm sẽ được phía đại lý đánh giá dựa trên thang điểm của đối tác thu cũ. Comp Asia có 5 mức đánh giá A-F. Trong đó, mức B là thường gặp nhất với một số vết xước nhỏ ở cạnh máy, màn hình. Trong khi đó, hạng C dành cho sản phẩm có tuổi đời 1-2 năm. Những vết lõm có thể nhận ra rõ ràng. Từ thang điểm tình trạng, sản phẩm sẽ được báo mức giá thu cũ phù hợp.
Sau khi được tân trang, sản phẩm được bán ra với giá rẻ hơn. Ảnh: Comp Asia. |
Sau đó, thiết bị được chuyển giao cho công ty phụ trách thu cũ. Ở đây, công ty sẽ tân trang ngoại hình, thay thế linh kiện nếu có hỏng hóc và tiếp tục vòng đời sản phẩm. Ví dụ, chiếc iPhone 13 Pro sau khi tân trang được bán lại với mức 1.159 SGD (khoảng 20 triệu đồng).
Con số này tương đương giá bán phiên bản qua sử dụng của mẫu điện thoại này tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc mua hàng tại những đơn vị này đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế tiêu dùng và được bảo hành thiết bị qua sử dụng.
Trong khi đó, một số đơn vị khác chọn tự tân trang, sửa chữa thiết bị để bán lại, tối ưu chu trình. “Với thiết bị cũ, chúng tôi sẽ kiểm tra và đưa vào mục iPhone qua sử dụng, bán cho khách có nhu cầu. Đây là giải pháp cho những khách hàng tìm kiếm thiết bị giá tốt, nguồn gốc rõ ràng và bảo hành dài hạn”, đại diện hệ thống Di động Việt nói.
Thực tế, mặt hàng iPhone cũ được xem là sản phẩm nhạy cảm tại các đại lý chính hãng. Theo thỏa thuận của đối tác ủy quyền (AAR) với Apple, doanh nghiệp không được kinh doanh iPhone xách tay, trốn thuế, kể cả máy qua sử dụng. Các nhà bán lẻ trong nước vẫn có mục iPhone cũ, nhưng chỉ bán máy mã VN/A, hoặc thiết bị sửa chữa sau thời gian đổi trả của khách.
Robot tái chế Daisy của Apple có thể tách rời từng bộ phận của chiếc iPhone, giúp tận dụng các linh kiện cũ tốt hơn. Ảnh: Cnet. |
Trong khi đó, tại các quốc gia có Apple Store, việc thu cũ được Táo khuyết trực tiếp thực hiện. Theo TechVision, công ty sẽ nhận điện thoại của khách và đổi lại bằng phiếu mua hàng hoặc trừ thẳng vào giá thiết bị mới. Điện thoại cũ được tân trang và phân phối đến những thị trường iPhone chưa phổ cập như Ấn Độ, châu Phi.
Mặt khác, với những sản phẩm quá cũ, vỡ nát, Táo khuyết sử dụng robot chuyên dụng để tách dỡ linh kiện. Qua đó, nhiều loại vật liệu quý như vàng, coban, bạc, bạch kim được thu lại. Trong khi đó, những chất nguy hại sẽ được chuyển đến nhà máy khác để tiếp tục tái chế.