Không có đủ tiền để tổ chức một đám cưới linh đình, nhiều bạn trẻ Trung Quốc đã chọn "đám cưới khỏa thân" để giảm bớt gánh nặng cho gia đình cũng như bản thân.
TIN BÀI KHÁC:
Hình ảnh London tan hoang vì bạo loạn
Chụp được ảnh "hồn ma" trong lễ cúng cô hồn
"Đám cưới khỏa thân", sự lựa chọn mới của giới trẻ Trung Quốc? (Ảnh minh họa)
Không cưới vì không có tiền
Các bậc phụ huynh sẽ bao giờ tưởng tượng được rằng một ngày nào đó họ sẽ phải bỏ ra 300.000 NDT (tương đương 44.000 USD) để có được một cô con dâu hay cậu con rể bởi cách đây hơn 20 năm, họ chỉ mất 10.000 NDT (khoảng 1.400 USD) để có được một đám cưới đàng hoàng.
Theo tính toán của tờ Xinmin Weekly, chi phí đám cưới ngày nay đắt gấp 30 lần so với đám cưới vào những năm 1980.
Các cặp vợ chồng trẻ thời đó chỉ phải bỏ ra 2.000 NDT (tương đương 310 USD) để mở tiệc chiêu đãi bạn bè, người thân tới dự hôn lễ của mình. Sau đó, họ dành ra 1.000 USD để mua những thứ cần thiết như TV, tủ lạnh và máy giặt.
Vào những năm 1980, rất ít cặp vợ chồng trẻ mua nhà bởi họ thường sống chung với bố mẹ chồng sau khi cưới nhưng ngày nay một căn nhà riêng lại là điều kiện cần thiết để các cặp đôi cưới nhau.
Theo giá cả năm 2007, một căn hộ 80 mét vuông ở Bắc Kinh có giá khoảng 400.000 NDT (tương đương 62.077 USD), 775 USD/mét vuông. Tới năm 2011, gia cả đã tăng lên là 4.660 USD/mét vuông, tăng 600% trong vòng 4 năm.
Mặc dù thu nhập bình quân của người dân Bắc Kinh cũng đã được cải thiện trong thời gian qua nhưng vẫn thua xa so với sự tăng chóng mặt của giá nhà.
Theo thống kê trên trang web của chính quyền thành phố Bắc Kinh, thu nhập tăng 26,4% từ 39.867 NDT lên 50.415 NDT/năm.
Năm 2007, việc mỗi bên gia đình bỏ ra 200.000 NDT để mua một căn hộ cho đôi vợ chồng trẻ là điều có thể chấp nhận được nhưng bây giờ bỏ ra 600.000 NDT lại là một vấn đề cực kỳ nan giải.
Cưới khỏa thân, nguy cơ tiềm ẩn?
Một "đám cưới khỏa thân" ở Trung Quốc là đám cưới chỉ tốn 9 NDT để trả cho phòng đăng ký hôn nhân.
Hình thức mới này đã thu hút được sự chú ý của người dân Trung Quốc, một đất nước có truyền thống hàng ngàn năm về việc tổ chức các nghi lễ đám cưới hoành tráng, quy củ, đám cưới được coi là thể diện của gia đình chứ không chỉ là chuyện giữa hai vợ chồng trẻ.
"Các cặp đôi thường muốn hủy đám cưới khi họ nhắc tới chuyện nhà cửa"-Luo Zhiming, một nhà tư vấn tại trung tâm tư vấn hôn nhân ở Hexintian, Bắc Kinh. "Tiền thường là nhân tố quan trọng nhất để ổn định sau đám cưới"-Cô nói thêm.
Đối với nhiều thanh niên Trung Quốc, những người thường tiêu tiền nhiều hơn những gì họ kiếm được, thì mua một ngôi nhà là điều không tưởng.
Chen Bei ở Thượng Hải cho biết sau khi kết hôn, cô sống trong một căn hộ cho thuê với giá 2.000 NDT (khoảng 310 USD)/tháng từ năm 2008.
Chồng của Chen, một quân nhân, kiếm được 1.330 NDT (206 USD) mỗi tháng, trong khi Chen, kiếm được 4.000 USD (620 USD)/tháng nhờ việc dạy học.
Khi họ lên kế hoạch cưới, gia đình đã không có đủ 540.000 NDT (83.804 USD) để mua nhà trả góp. Vì thế, Chen và chồng cô đã quyết định trang hoàng phòng trọ thành phòng cưới và họ chỉ mất 10.000 NDT (1.551 USD).
Họ cũng tổ chức một lễ cưới ấm cúng tại khách sạn 3 sao và mời người thân, bạn bè tới tham dự. Thay vì nhẫn cưới bằng kim cương đắt đỏ, vợ chồng Chen chỉ mua hai chiếc nhẫn bằng vàng trị giá khoảng 3.000 NDT.
"Đám cưới của chúng tôi chỉ mất khoảng 23.000 NDT (3.753 USD)"-Chen cho hay.
Được biết, trước đó, Chen đã gặp phải không ít sự phản đối từ bạn bè của mình vì quyết định "liều lĩnh" này. Họ cho rằng Chen làm như vậy sẽ đẩy cô vào tình thế "nguy hiểm" nếu cuộc hôn nhân của cô kết thúc.
Chen đã phải đấu tranh cho quan điểm của mình về một cuộc sống hạnh phúc không nhất thiết phải có nhà cửa. "Tôi không phản đối việc sống chung với anh ấy trong một căn nhà trọ vì với tôi những gì tôi quan tâm là sau này chồng tôi có kiếm được tiền hay không".
Tuy nhiên, không phải thanh niên Trung Quốc nào cũng có đủ can đảm để tổ chức một đám cưới bình dị như vợ chồng Chen.
Theo một cuộc khảo sát trực tuyến trên trang web mai mối Jiayuan.com, chỉ có 38% cô gái ủng hộ đám cưới bình thường, trong khi đó 77% các chàng trai cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.
Nhà xã hội học Wang Qianma giải thích rằng tỷ lệ khác nhau theo nhóm giới tính phản ánh nhận thức về hôn nhân giữa những người Trung Quốc. "Phụ nữ thường quan tâm về hình thức tổ chức đám cưới trong khi đàn ông thì thực tế hơn".
"Tôi không nghĩ rằng nhiều người Trung Quốc sẽ tổ chức "đám cưới khỏa thân" nhưng hiện tượng này đã phản ánh suy nghĩ trưởng thành và cởi mở hơn của thế hệ trẻ"-Một người khác cho biết.
Sầm Hoa (Theo China Daily)