*Chú ý: Bài viết tiết lộ nội dung phim. Bạn đọc cân nhắc trước khi xem.
Điều đầu tiên phải nhấn mạnh ở phần phim lần này là vụ thay đổi đạo diễn. Nếu như ở Jurassic World (phần 4), người chỉ đạo toàn bộ quá trình là Colin Trevorrow thì lần này, trách nhiệm lại được trao cho Juan Antonio Bayona. Nếu bạn đọc chưa biết thì Juan từng khá thành công trong các dự án như The Orphanage (2007), The Impossible (2012) và A Monter Calls (2016).
Đối với những người xem không quá khó tính, việc thay đổi đạo diễn có lẽ sẽ chẳng phải vấn đề gì. Thế nhưng, với giới đam mê phim ảnh thực sự, việc thay đổi này sẽ khiến bộ phim mang một màu sắc mới hoàn toàn (chưa biết được là theo chiều hướng tốt lên hay xấu đi).
Tạm bỏ qua 3 phần phim đầu tiên đã quá thành công, chúng ta sẽ chỉ so sánh phần 5 này và phần 4 ra mắt vào năm 2015. Một điểm mà người viết thấy khá bất ngờ là, các tác phẩm trước đây của Juan thường không lấy kỹ xảo để làm người xem há hốc mồm thì ở Jurassic World lại ngược lại.
Có thể nói, các phân đoạn trên hòn đảo Isla Nublar thật sự đã mắt. Vẫn là cái màu phim cổ như vậy, khi áp vào một thế giới của những sinh vật từ thời tiền sử kia lại hợp đến lạ. Cảnh nam chính Owen Grady (Chris Pratt) bán sống bán chết chạy khỏi đám mây dung nham nóng bỏng, phía sau là đàn khủng long khổng lồ trong trailer chỉ là vài giây khá bình thường mà thôi. Bạn sẽ còn được chiêm ngưỡng những cảnh quay “bá cháy” hơn thế nhiều. Sự hùng vĩ của mẹ thiên nhiên và cái vẻ cực kỳ oai hùng của con T-Rex đóng mác thương hiệu kết hợp với nhau chưa bao giờ lỗi thời cả.
Như đã nói ở trên, Hollywood dường như đang cố gắng để tìm ra hướng đi mới cho series kinh điển này. Ở phần 4, những phân đoạn ngắn khai thác tình anh em của Gray và Zach đã lấy lòng biết bao người xem. Trong khi hoảng sợ tột độ, người ta vẫn tìm thấy thứ tình yêu rất trong sáng của những đứa trẻ ngây thơ. Đó là một điểm cộng lớn đã giúp Jurassic World lấy lòng được nhiều trang đánh giá.
Nhưng ở phần 5 này thì khác, thế giới khủng long đúng là chỉ tập trung vào khủng long mà thôi. Sự hiện diện của Owen, Claire hay là ai đi nữa cũng có vẻ hơi thừa. Các bạn còn nhớ con Velociraptor mà Owen từng nuôi dạy - Blue ở phần trước không? Có vẻ như phần 5 này phải là “Blue và những người bạn” thì mới đúng!
Cái hay của việc tập trung phần lớn thời lượng phim vào đám khủng long là người xem được nhiều phen kinh ngạc, rợn gáy hơn. Có nhiều phân cảnh mà tưởng chừng như những sinh vật nhân tạo ấy lại rất có hồn. Chúng không ngu ngốc chút nào cả mà cũng biết buồn, giận, vui… Thậm chí, có một khoảnh khắc mà người viết tin rằng sẽ găm sâu vào tâm trí của bạn đọc sau khi xem phim cho tới mãi sau này luôn đấy.
Tất nhiên, một khi đã tập trung vào đàn khủng long thì diễn xuất của người đóng có vẻ hơi thừa. Vẫn là vai gã đàn ông bướng bỉnh, bất cần nhưng lần này, Owen (hay Chris) đã hết cái duyên khiến cho người xem bất ngờ như phần trước. Có lẽ khán giả đã quá quen với khuôn mặt anh trong vai Star Lord “phá game” rồi!
Một nhân vật khác gây được sự “hỏi chấm” lớn của phần phim này là cô nàng Claire do Bryce Dallas Howard thủ vai. Thật sự thì, sau quá khứ như vậy, nàng Claire vẫn có thể “tin người” đến thế sao? Chẳng có một giây phút nào cô nàng này dừng lại và thầm nhủ liệu có vấn đề gì không nhỉ? Đây có lẽ là thứ bất hợp lý lớn nhất trong một bộ phim vốn đã bất hợp lý.
Bù lại, điểm sáng trong khâu diễn xuất lại dành cho cô bé Maisie Lookwood (Isabella Sermon). Lứa diễn viên trẻ của Hollywood thời gian gần đây đang có rất nhiều cái tên nổi bật. Ở phần 4 là Ty Simpkins và phần này chính là Isabella. Mức độ rùng rợn của phim được đẩy lên cao trào hơn cả trong phân đoạn Maisie chạy trốn khỏi “thứ gì đó” ở cuối phim.
Việc khai thác nỗi sợ, sự kinh hoàng trong con mắt những cô bé, cậu bé vẫn là phương thức làm phim quen thuộc và cực kỳ hiệu quả.
Thế nhưng, vai trò của Maisie không dừng lại ở đó. Cô bé là chìa khóa cuối cùng dẫn đến thông điệp của bộ phim: “Sự sống luôn có cách để sinh tồn”. Thú thật là sau khi đọc được dòng này, người viết lại liên tưởng tới bộ phim Life hồi năm ngoái, cũng là thông điệp tương tự nhưng mang sắc thái nặng nề và cái kết ám ảnh hơn.
Dù vậy, sự sống mà đạo diễn Juan Antonio muốn nhắn nhủ lại rộng hơn. Ian Malcolm - vị tiến sĩ từng xuất hiện ở phần 1 nay đã quay trở lại. Trái với dự đoán, ông, một trong những con người từng thất thần vì được nhìn thấy đàn khủng long tung tăng giữa thảm cỏ, nay lại tự đặt nghi vấn cho chính bản thân và toàn thế giới về sự sống: Liệu quyết định của họ từ trước đã là sai? Và liệu sự khắc phục này có mang lại một kết quả tốt hơn?
Cái kết của phim, dù không nặng nề như Life (tất nhiên) nhưng cũng đủ để khiến người xem phải nghi ngờ. Vương quốc đúng là đã sụp đổ. Thế nhưng, trong tương lai, họ sẽ đối mặt với sự thay đổi này như thế nào? Hãy cùng GameK đón xem liệu đạo diễn Colin Trevorrow sẽ tiếp tục dẫn dắt tượng đài điện ảnh này tới khung trời mới nào trong phần tiếp theo.
Theo GameK