Theo Science ABC, khi cuộc sống đè nặng lên vai của một người, bản năng đầu tiên của họ thường là tìm đến danh sách nhạc buồn trong điện thoại. Có phải đã có những lần bạn nghe nhạc buồn và sau đó cảm thấy mọi thứ tốt hơn? Có lạ hay không khi đây là điều xảy ra với rất nhiều người?

Nhìn bề ngoài, nghe nhạc vui vẻ có vẻ là điều hợp lý để làm khi chúng ta muốn cải thiện tâm trạng của mình. Vậy tại sao chúng ta lại cảm thấy ổn hơn sau khi nghe nhạc buồn mà không phải là những bài hát tươi vui?

Nghe nhạc buồn làm cho chúng ta cảm thấy hiểu rõ mọi thứ hơn. Khi các ca từ trong một bài hát trùng khớp với trải nghiệm ngoài đời thực của chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy mình không còn cô độc nữa. Chúng ta cảm thấy tốt hơn về tình huống của mình khi tin rằng một ai đó cũng đã trải qua cảm giác tương tự và hiểu chính xác cảm giác của mình lúc đó.

Quan trọng hơn, nó trấn an chúng ta rằng không có gì sai trái khi chúng ta đang trải qua một cảm giác buồn như vậy. Những giai điệu đau lòng cho chúng ta thấy rằng cảm giác buồn là một điều rất bình thường với con người, và vì thế những bài nhạc này sẽ giúp chúng ta tiếp bước cuộc sống một cách dễ dàng hơn.

Tại sao chúng ta lại thích nghe nhạc buồn?

Nghe nhạc buồn được cho là tạo điều kiện để chúng ta thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực. Nói cách khác, nó cho phép người nghe giải bày những cảm xúc tiêu cực của họ, từ đó làm giảm cảm giác buồn bã, mệt mỏi.

Nghe nhạc vui vẻ có vẻ như là một điều bình thường phải làm khi bạn muốn thoát ra khỏi nỗi buồn của chính mình nhưng tại sao mọi người thường không làm như vậy? Nguyên do là sau khi nghe nhạc vui, nhiều người cho biết tâm trạng của mình thậm chí còn tồi tệ hơn trước đó.

Nguyên nhân là do nhạc buồn giống như một người đồng cảm đang cố gắng an ủi bạn. Trong khi đó, nhạc vui giống như một người vui tính đến bên và bảo bạn hãy cười lên đi dù bạn đang có tâm trạng nặng nề.

Nhiều người thích nhạc buồn ngay cả khi họ không buồn bã. Đây là một điều gây không ít ngạc nhiên với nhiều người.

Nhạc vui vẻ tự bản thân nó thường mang lại cảm xúc không đặc biệt và nhàm chán. Không phải vì bài hát thể hiện niềm vui mà mọi người sẽ thích nghe nó.

Hầu hết những người thưởng thức âm nhạc buồn sẽ nói rằng nó mang đến nhiều cung bậc cảm xúc hơn bất cứ thể loại nhạc nào khác. Một nghiên cứu cho thấy ngoài nỗi buồn, nhạc buồn còn gợi lên một loạt các cảm xúc thẩm mỹ tích cực. Vì vậy, khi người ta nghe nhạc buồn, đơn giản là họ đang tận hưởng cảm xúc kích thích mà nó gợi lên.

Âm nhạc buồn, không giống như tình huống thực sự buồn, nó đi kèm với một loại chủ nghĩa lãng mạn. Nó không phải là mối nguy hiểm và có thể làm hại người khác, không giống như cảm xúc buồn bã thực tế trong cuộc sống hàng ngày, nó cho phép người nghe tận hưởng những cảm xúc khó chịu như nỗi buồn.

Một lý do khác khiến mọi người thích nhạc buồn là do hormone prolactin. Ngoài mối liên hệ với việc tiết sữa, prolactin còn có nhiều tác dụng tâm lý khác nhau. Nó được tạo ra ở cả nam và nữ, để thích ứng với cảm xúc đau đớn, buồn bã hoặc các hình thức căng thẳng khác để xoa dịu những cảm xúc này thông qua tác dụng giảm đau của nó. Khi bạn ở trong trạng thái đau buồn, prolactin tạo ra cảm giác yên bình, bình tĩnh và an ủi, do đó ngăn chặn trạng thái đau buồn leo thang không kiểm soát.

Tại sao chúng ta lại thích nghe nhạc buồn?

Khi chúng ta nghe nhạc buồn, về cơ bản, chúng ta "đánh lừa" bộ não của chúng ta để nó nghĩ rằng điều gì đó buồn đã xảy ra, do đó gây ra sự tăng đột biến của prolactin. Tuy nhiên, không có bất kỳ cảm giác buồn bã thực tế nào, hiệu ứng được tạo ra bởi prolactin sẽ chỉ dẫn đến một trạng thái dễ chịu hơn. Ngay cả khi người nghe cảm thấy buồn sau khi nghe một bài hát buồn, anh ta vẫn nhận thức được rằng anh ta chỉ nghe nhạc và nỗi buồn mà anh cảm thấy sẽ không dẫn đến một bi kịch thực sự.

Nhiều người nghe nhạc buồn chỉ để khóc và giải phóng cảm xúc chai lì của mình (dù cho đó là nỗi buồn về bất cứ điều gì).

Âm nhạc buồn cũng cho phép mọi người suy ngẫm về các sự kiện tiêu cực trong cuộc sống và ý nghĩa của chúng (dù người nghe sẽ có cảm giác buồn khi nghe). Một số loại nhạc buồn giúp ích cho quá trình suy nghĩ về các sự kiện trong quá khứ, giải quyết các vấn đề và đưa ra kết luận tích cực về chúng.

Người ta có thể cho rằng mọi người trở nên bi quan khi họ buồn; tuy nhiên, một nghiên cứu chứng minh rằng mọi người thực sự thực tế hơn khi họ buồn. Điều này là do một hiện tượng gọi là chủ nghĩa hiện thực trầm cảm. So với hạnh phúc, nỗi buồn mang đến cho con người những suy nghĩ định hướng chi tiết hơn và ít tạo ra các phán đoán mang tính chất thiên vị. Nghe nhạc buồn được cho là gây ra chủ nghĩa hiện thực trầm cảm, khuyến khích các đánh giá thực tế hơn về một việc nào đó.

Những người khác nhau trải qua nỗi buồn khác nhau, và một số người dễ bị buồn hơn những người khác. Những khác biệt này có thể là do các chuẩn mực về giới tính, xã hội và văn hóa, kinh nghiệm trong quá khứ, sinh lý và thể lực.

Tác động của việc nghe nhạc buồn có thể có kết quả tích cực hoặc không, tùy thuộc vào các yếu tố trên. Trong khi một số người nghe nhạc buồn và có kết quả thú vị là tận hưởng hoặc làm "sạch" nỗi buồn thì một số người khác sẽ ngẫm nghĩ và ám ảnh về cảm xúc của họ, như thể họ bị buộc phải tập trung vào các khía cạnh khó chịu của cuộc sống. Loại người thứ hai này bị thu hút bởi âm nhạc buồn, mặc dù thực tế là nó kéo dài sự khốn khổ của họ.

Việc xác định ranh giới giữa một quá trình đau buồn tự nhiên và sự trầm tư mặc tưởng là rất quan trọng. Tuy nhiên, vì sự trầm tư mặc tưởng có liên quan đến trầm cảm lâm sàng nên hiếm khi có ai thích rơi vào cảm giác này. Thay vào đó, nó có thể chỉ đơn giản là kết quả của sự thiên vị không tự nguyện của người nghe đối với các kích thích tiêu cực, đây là một đặc điểm đặc trưng cho nhiều rối loạn tâm trạng.

Nói tóm lại, hãy nghe nhạc buồn bất cứ khi nào bạn cần khóc để giải tỏa nhưng đừng để bạn thân của bạn sa vào thế giới của những bài hát buồn quá lâu.