Trung quốc đã đi bước đầu tiên thực hiện chương trình xây dựng trạm không gian của riêng mình với chương trình kết nối Tàu Thần châu 8 và Thiên cung 1 vào 17.29 GMT ngày 2/11/2011. 

Thần châu 8 được phóng lên không gian ngày 1/11, mang theo sứ mệnh định vị và áp sát trạm thí nghiệm không gian Thiên cung 1. Đây được coi là một cột mốc lịch sử của ngành khoa học vũ trụ Trung Quốc, với mục tiêu chính là kiểm tra các công nghệ mà Trung Quốc sẽ sử dụng để lắp ráp một trạm không gian trên quỹ đạo. Trung Quốc hy vọng trạm không gian này sẽ có thể đi vào hoạt động từ năm 2020.

Thần châu 8 và Thiên cung 1 sẽ tiến hành kết nối trong ngày mai.

Theo biên tập viên Tim Robinson của Aerospace Internation, nếu như Mỹ khởi đầu bằng việc ráp nối các tàu vũ trụ bằng tay thì Trung Quốc lại cố gắng ráp nối tự động trước rồi mới tiến đến giai đoạn “dùng người”. Điều này có thể giảm nguy hiểm cho đoàn bay nhưng đương nhiên là rất khó và “vô cùng tham vọng”.

Giây phút trọng đại

Theo Space.com, việc ráp nối tự động sẽ đòi hỏi một loạt công đoạn phức tạp: một số thao tác sẽ do các kỹ sư dưới mặt đất chỉ đạo trong khi một số công đoạn sẽ do 2 con tàu tự động tiến hành.

Lấy thí dụ, trung tâm điều khiển mặt đất sẽ dẫn đường cho Thần Châu 8 đi vào cùng quỹ đạo với Thiên cung 1. Tuy nhiên, khi Thần Châu 8 còn cách trạm thí nghiệm không gian khoảng 50km, hệ thống cảm biến trên tàu sẽ tiếp quản nốt các khâu còn lại.

Hệ thống mạch cảm biến này sẽ sai khiến Thần Châu di chuyển đến đích một cách chậm rãi, từ tốn và nhẹ nhàng. Dự kiến giai đoạn này sẽ kéo dài khoảng 2,5 tiếng, lâu hơn rất nhiều so với công đoạn “sập khóa” cuối cùng – vốn chỉ mất khoảng 15 phút. (Khi Thần Châu 8 áp sát Thiên cung 1, cầu đỡ của nó sẽ được bắc sang Thiên cung 1 và khóa cài kim loại sẽ sập xuống để bắt cố định hai con tàu với nhau).

Thời gian Thiên cung 1 và Thần châu 8 gắn liền nhau sẽ kéo dài trong vòng 12 ngày. Chúng sẽ cùng di chuyển vòng quanh quỹ đạo Trái đất theo sự điều khiển của Thiên cung 1, các quan chức Trung Quốc cho biết. Khi thời hạn 12 ngày kết thúc, Thần Châu 8 sẽ tự động tách ra, di chuyển ra xa khỏi Thiên cung 1 khoảng cách 140 mét rồi lại áp sát và thực hiện ráp nối lại từ đầu. Mục tiêu là để chứng minh lần đầu tiên không phải sự ăn may.

Sau lần ráp nối thứ hai, hai con tàu sẽ dính liến nhau trong 2 ngày. Hết hạn, Thần châu 8 sẽ tách hẳn khỏi Thiên cung 1 và di chuyển ra xa 5km, chuẩn bị kết thúc sứ mệnh của mình. Module chính của nó sẽ bay trở lại về Trái đất, trong khi Thiên cung 1 tiếp tục chuyến bay tự động của mình và chuyển sang chế độ vận hành dài hạn.

Tuy nhiên, Thiên cung 1 sẽ phải chờ thêm 2 lần ráp nối với tàu Thần châu nữa (dự định được phóng trước cuối năm sau). Ít nhất một trong 2 tàu này sẽ có phi hành đoàn, Tân hoa xã cho biết.

Trạm vũ trụ tương lai

Nếu mọi chuyện đều suôn sẻ, Trung Quốc hy vọng sẽ có thể lắp ráp một trạm không gian nặng 66 tấn, bằng 1/7 so với trạm ISS, vào năm 2020.

Đây là một sứ mệnh quan trọng trong kế hoạch chinh phục không gian đầy tham vọng của Trung Quốc. Sau Nga và Mỹ, Trung Quốc là nước thứ ba xây dựng được tàu vũ trụ có khả năng đưa người lên không gian và trở lại mặt đất.

Tất cả các phi hành gia Trung Quốc tính đến thời điểm này đều là nam giới. Tuy nhiên việc này có thể thay đổi ở Thần châu 9 hoặc 10, khi 2 nữ phi hành gia sẽ tham gia vào sứ mệnh.

“Chúng tôi cần đưa cả phi hành gia của 2 giới lên không gian để kiểm tra xem người có thể sống bình thường trong không gian hay không”, ông Chen Shanguang, Giám đốc Trung tâm Phi hành gia Trung Quốc chia sẻ với Tân hoa xã.

Trọng Cầm