“Ma lực” mộng vàng
Trước khi đến Phước Sơn (Quảng Nam), chúng tôi vẫn chưa hình dung hết được cảnh khai thác vàng. Lên đến nơi, bất chấp cái mỏi mệt, cái nắng gay gắt của khí trời miền trung, chúng tôi đón xe ôm đi xem làm vàng. Bác xe ôm bảo bây giờ công ty làm vàng có phép hết rồi, rất khó vào trong, làm vàng trái phép thì hiện nay lực lượng công an đang truy quét nên đã thưa dần.
Ông suy nghĩ một lát, rồi chở chúng tôi vào một chủ làm vàng mà ông quen biết có trên dưới chục người làm.
Trời nắng như đổ lửa, hố nước bơm lên đục ngầu. Chúng tôi chăm chú nhìn họ đãi hết mẻ này đến mẻ khác, thấp thoáng ẩn hiện những hạt bụi vàng li ti lấp lánh trong nắng.
Bác xe ôm giải thích thêm: “Xem vậy, một ngày kiếm khoảng 100-200 nghìn là chuyện bình thường, chưa kể trúng lớn, trước đây nhiều người trúng cả ba lô, đắp trên người còn không hết”.
Ông bảo, cái “ma lực” của vàng có sức hút rất ghê
gớm, nó luôn thôi thúc lòng tham của con người, ngày đêm đào xới không biết mệt
mỏi. Những ai làm vàng thì trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến vàng và ôm mộng trúng
lớn, bất chấp hiểm nguy rình rập.
Xác phu nằm khắp đất vàng
Đất vàng Phước Sơn ngày ấy, mấy người đi mà ngày về được nguyên vẹn, đặc biệt là
các phu vàng bị bóc lột sức lao động, bị đánh đập…Họ không thương tật, nghiện
ngập thì cũng mang mầm bệnh trong người, thậm chí chết tại đất vàng.
Một thời làm phu may mắn sống sót trở về, Tiên 'râu' cay đắng kể về cuộc đời của
mình. Ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ lưu lạc đến với đất vàng, nếu ngày trước
không bị một ông chủ người Nam Định về quê ông ở Thanh Hóa lừa đi phát rừng làm
lâm nghiệp.
Đó là những năm 1990, khi nghe ông chủ nói sẽ trả lương 100 đồng/tháng (thời đó lớn lắm). Nào ngờ, lên đến nơi ông chủ bắt làm vàng ngày đêm khổ sở, nhưng không ai dám trốn về, vì nếu chủ phát hiện sẽ đánh đập rất dã man.
Lúc đó, vàng đâu không thấy, ông trắng tay không
có tiền về quê sống, đành phải tha phương đất vàng. Những người bạn của ông giờ
đây không biết đã lưu lạc phương nào, còn hay đã mất...
Ông Hồ Điều - Bí thư xã Phước Xuân là người bản địa đất vàng cho hay: Từ những
năm 1985 đến 1995, phu làm vàng chết nhiều vô kể, chết vì sốt rét, chết bị đánh
đập (chủ đánh tớ, lán ngày tranh giành đánh với lán khác…), nghiện ngập… nằm rải
rác khắp rừng hay gần các bãi vàng như bãi Gió, bãi Gõ, bãi Phước Thành, suối
K7, suối 45, bãi Đồi Chim hay bãi Ma…
Ngày nay, trên núi vàng ấy, chỉ một vài nấm mộ
được người thân tìm đến âm thầm đưa về quê, thấm đẫm giọt nước mắt và tiếng khóc
than ôi…tê tái đến não lòng.
Những nấm mộ nằm lại, linh hồn họ như quanh quẩn khắp núi vàng hòa cùng dòng
người đang ngày đêm đào bới để tiếp tục tìm giấc mơ đổi đời.
Hẩm hiu đời phu vàng
Ngày hôm sau, tôi tìm cho mình một tay xe ôm trẻ
hơn để có thể vượt rừng núi đến một số địa danh có mộ của phu vàng vô chủ nằm
lại mà nhiều người hay gọi là nghĩa địa của phu vàng.
Nơi tôi đến như nghĩa trang Khâm Đức (Thị trấn Khâm Đức), bãi Gió, bãi Gõ (Phước
Đức), suối K7, suối 45 (Phước Hiệp). Những nơi này bây giờ chỉ còn rãi rác mộ
các phu vàng một thời nằm lại. Nếu không có anh xe ôm dẫn đường, chắc tôi không
đủ can đảm để đi bộ băng qua những con đường hoang vắng dường như đã lâu lắm
không có người đặt chân đến.
Người lái xe ôm bảo, người “dân” ở đây rất sợ
người chết nên nơi nào có mồ mả là họ tránh xa không dám vào.
Nhìn những nấm mộ lấp vội, sơ sài cỏ mọc dày đặc, cái thấp cái cao rất khó phát
hiện. Tôi và anh xe ôm chia đều hương ra thắp cho từng nấm mộ. Lặng lẽ vạch từng
đám cỏ, anh lần lượt thắp nhang cho các nấm mộ và nghẹn ngào: Phận bạc phu vàng
một đời lam lũ, lúc sống chui lủi, rúc trong hầm, trong rừng núi, nếm chịu biết
bao khổ cực, vàng đâu không thấy, giờ đây phải nằm lại núi rừng hiu quạnh này.
Họ chết không một chiếc quan tài, may mắn lắm mới có được tấm chiếu che thân,
không tên tuổi, quê quán làm sao mong có ngày đoàn tụ gia đình?
Người đi nằm lại bơ vơ, lạnh lẽo, không người hương khói. Người ở nhà khắc khoải chờ đợi, trông ngóng hy vọng mong manh rồi họ sẽ đem vàng trở về. Nhưng tất cả đều chìm trong vô vọng…
Tuyết Phan
(Còn nữa)