{keywords}
Ông Lawrence Liu, Tổng Giám đốc phụ trách hoạt động kinh doanh khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Keysight.

5G sẽ đóng góp 2.200 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu

Từng làm việc tại HP cách đây 23 năm và sau này là Keysight, một công ty chuyên trong lĩnh vực kiểm thử và đo lường điện tử, ông Lawrence Liu, hiện là tổng giám đốc phụ trách hoạt động kinh doanh khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) của Keysight, hiểu khá rõ về quá trình phát triển và cuộc đua 5G hiện nay.

Theo ông, quá trình phát triển này gồm 3 giai đoạn: 2010 – 2015 là giai đoạn tập trung nghiên cứu 5G, chipset, hiện thực hóa các tiêu chuẩn 3GPP; 2016 – 2019 đưa ra các sản phẩm mẫu, tiến hành chuẩn hóa và thực hiện các dự án thử nghiệm 5G; 2020 - 2025 và những năm sau đó sẽ triển khai các hệ thống gNodeB, hệ thống giao diện người dùng, cơ sở hạ tầng, thương mại hóa 5G và phát triển các dịch vụ liên quan.

Cuộc đua 5G có tính cạnh tranh rất cao. Nhìn lại 12 tháng trước, trong hệ sinh thái thiết bị 5G mới chỉ có 40 nhà cung cấp với 90 thiết bị, và 280 nhà khai thác dịch vụ di động ở 94 quốc gia đã đầu tư và thử nghiệm mạng 5G (Rất ít nhà khai thác dịch vụ di động cung cấp dịch vụ 5G thương mại).

Thế nhưng đến nay, số nhà cung cấp thiết bị đã tăng hơn gấp đôi lên con số 86 nhà cung cấp với tổng số 317 thiết bị cầm tay 5G, và đã có 348 nhà khai thác dịch vụ di động ở 119 quốc gia đầu tư 5G.

Tới năm 2025, theo dự đoán của GSMA, 5G có thể chiếm tới 20% lượng kết nối trên toàn cầu. Cùng với đó, thiết bị 5G sẽ bùng nổ với đa dạng kiểu dáng. Các nhà khai thác dịch vụ di động sẽ không bỏ lỡ cơ hội và tiếp tục đầu tư vào 5G. Rất nhiều quốc gia sẽ hoàn thành việc đấu giá tần số 5G để có tài nguyên triển khai dịch vụ 5G. Chỉ tính riêng thị trường Internet kết nối vạn vật (IoT) dành cho công nghiệp năm 2025 sẽ có giá trị khoảng 110 tỷ USD.

Theo một số dự báo khác, trong vòng 14 năm tới, 5G sẽ có thể đóng góp tới 2.200 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu.

Ấn tượng Việt Nam trên cuộc đua 5G

Chia sẻ cảm nhận về sự nỗ lực tham gia cuộc đua 5G của Việt Nam, ông Lawrence Liu bày tỏ: “Chúng tôi rất ấn tượng với sự quan tâm của chính phủ Việt Nam đối với việc phát triển 5G. Chính phủ đã gửi thông điệp rõ ràng tới các hệ sinh thái 5G. Và Việt Nam đã đầu tư, đi trước khá nhiều so với các nước ASEAN trong nghiên cứu triển khai 5G”.

{keywords}
Theo nhận định của chuyên gia Keysight, Việt Nam đã đầu tư, đi trước khá nhiều so với các nước ASEAN trong nghiên cứu triển khai 5G (Ảnh minh họa)

Vị lãnh đạo Keysight đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam khi đã xây dựng, đầu tư được một số hệ sinh thái 5G, công bố ra mắt một số sản phẩm 5G “Make in Vietnam”, và tập đoàn Viettel đã trở thành công ty thứ 6 trên thế giới công bố phát triển thành công hệ thống thiết bị gNodeB 5G, chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.

Từng hợp tác hiệu quả trong hoạt động thương mại hóa 5G ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản..., ngay từ những ngày đầu Việt Nam chuẩn bị gia nhập cuộc đua 5G, Keysight đã tích cực làm việc với các doanh nghiệp, tổ chức ở nhiều lĩnh vực để hỗ trợ triển khai liên quan tới 5G. Chẳng hạn, đối với ngành viễn thông thì hợp tác với các nhà mạng hàng đầu Việt Nam để giúp thực hiện việc đo kiểm hiệu năng cũng như kiểm tra vùng phủ sóng của 5G. Trong lĩnh vực sản xuất thì hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị quốc tế hoạt động tại Việt Nam cũng như các nhà sản xuất hàng đầu ở Việt Nam để giúp họ sản xuất ra các thiết bị đầu cuối cũng như các thiết bị gNodeB. Mặt khác, Keysight còn giúp các trường đại học xây dựng các chương trình đào tạo sinh viên, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực 5G...

Trước những tiềm năng rất lớn của thị trường Việt Nam, ông Lawrence Liu khẳng định Keysight sẽ tiếp tục đầu tư thêm và sẵn sàng hỗ trợ hệ sinh thái Việt Nam có nhiều bước tiến mới trên cuộc đua 5G thời gian tới.

Hiện trên thị trường thế giới, Keysight là công ty duy nhất cung cấp các sản phẩm, giải pháp có năng lực đo kiểm toàn diện, có đầy đủ các sản phẩm trên 7 lớp truyền thông, nên có thể phục vụ được toàn bộ hệ sinh thái bao gồm từ linh kiện cho đến các chipset, đến các thiết bị cầm tay, trạm gốc, trung tâm dữ liệu quy mô lớn...

Với giải pháp toàn diện của mình, Keysight có thể đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc thành công cho các giải pháp 5G lần đầu tiên đưa ra thị trường.

Không dừng ở 5G, với phương châm “Innovation Next” (tạm dịch: Sáng tạo cho tương lai), Keysight đã hợp tác với một số công ty nghiên cứu phát triển hàng đầu thế giới để có thể thực hiện việc nghiên cứu - triển khai trong lĩnh vực 6G. Đáng chú ý, doanh nghiệp “sừng sỏ” trong lĩnh vực đo kiểm viễn thông – CNTT này đã chính thức vận hành 1 phòng đo kiểm phục vụ hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ 6G, sử dụng tần số Sub-Terahertz (khoảng 1 tỷ Hetz).

Thanh Vân