Đọc bài viết Con trai vứt túi thịt, cầu xin mẹ ăn cỗ đừng lấy phần, rồi lại đọc gần 100 bình luận của độc giả, tôi cũng muốn kể câu chuyện của mình và nói lên ý kiến về vấn đề này.

Tôi là người miền Bắc nhưng vào TP.HCM sống 14 năm nay. Tại thành phố này, tôi quen và kết hôn với chồng cũng là người Bắc. Tuy nhiên, vì điều kiện không cho phép nên sau 6 năm kết hôn tôi mới đưa con về quê chồng.

Bữa đó, một người họ hàng của chồng tổ chức đám cưới cho con trai. Thấy vợ chồng tôi về, bác qua chơi và mời chúng tôi đến ăn cỗ.

Hai vợ chồng rất vui, háo hức sửa soạn đồ, cùng nhau đến đám. Nhưng vừa đến cổng nhà bác chồng tôi được kéo vào mâm đàn ông, còn tôi và con trai 3 tuổi được sắp xếp ngồi với nhóm phụ nữ.

Khi mâm cỗ được bê ra, cả mâm chưa ai động đũa thì một chị cầm cuộn túi nilon chia cho mọi người. Chị cũng đưa cho tôi một chiếc nhưng tôi không nhận vì thấy không cần thiết.

Ảnh minh họa

Con trai tôi rất kén ăn. Trong số những món đặt trên mâm, cháu chỉ thích ăn tôm. Sau khi ăn hết một con tôm to, cháu lại đòi ăn nữa. Thấy đĩa tôm chỉ có 6 con trong khi mâm của tôi ngồi 7 người (6 người lớn, 1 trẻ con), tôi hơi ái ngại.

Tôi gắp cho con món khác nhưng cháu không chịu, nhất quyết chỉ vào đĩa tôm.

Tôi phải mở lời xin mọi người nhường cho cháu vài con. Các chị trong mâm nhìn nhau, vài người cất lời đồng ý. Nhưng ngay khi tôi vừa gắp cho con, một chị liền bê đĩa tôm chia nốt cho những người ngồi cạnh. Tiếp đó, chị bê lần lượt các đĩa thức ăn khô như giò, thịt gà, thịt nướng… chia thành 6 phần.

Mọi người bỏ vào túi nilon của mình. Riêng tôi không muốn bỏ túi nilon nên phần ăn được chị dồn vào một đĩa. Mâm cỗ đầy ắp bỗng chốc chỉ còn lại bát nấu, đĩa rau.

Con trai tôi không còn gì để ăn nên đòi ăn nho - loại trái cây chủ nhà chuẩn bị cho mọi người tráng miệng.

Người phụ nữ ngồi gần hộp nho lại vội vàng chia thành 6 phần và đưa cho con trai tôi 1 phần. Cháu ăn hết lại mè nheo. Một chị trong mâm lấy từ suất của mình cho con tôi mấy quả nhưng lại kèm theo lời bỉ bôi: “Ăn tham thế, ăn hết phần của mình thì phải thôi chứ”.

Ngay sau lời nói đó, 5 người trong mâm cùng cười rồi tiếp tục chê thằng bé ăn tham. Con tôi lúc này mặt méo xệch. Tôi nhìn con thương vô tận. Miếng ăn trong miệng tôi trở nên đắng ngắt. Tôi xúc một thìa cơm ăn vội rồi dắt con đi chơi.

Thấy tôi đứng lên, một chị trong mâm chỉ vào đĩa thức ăn của tôi và hỏi có mang về không. Tôi lắc đầu, chị liền bỏ vào túi cho những người còn lại.

Tôi nhìn cảnh đó tự nhiên thấy khó chịu. Tôi biết, chuyện lấy phần xuất phát từ phong tục của địa phương và tôi không phản đối việc này. Nhưng lấy phần như thế nào để tất cả cùng vui lại là chuyện đáng bàn.

Theo tôi, ngày nay, hầu hết các gia đình đều không thiếu miếng ăn. Vì vậy, khi đi ăn cỗ hãy cứ ăn uống thật thoải mái, nhất là khi ngồi cùng mâm với khách lạ. Cuối bữa, nếu mâm cỗ vẫn thừa thì có thể lấy mang về.

Đằng này, quê chồng tôi đang quá coi trọng chuyện chia phần. Điều này khiến họ trở nên hẹp hòi, sợ người khác ăn hết phần của mình thì túi thức ăn mang về sẽ không được đủ đầy. Vậy mới có chuyện, con tôi vừa ăn vài con tôm, cả mâm đã phải vội chia phần.

Việc đặt nặng chuyện chia phần cũng khiến mọi người mất đi niềm vui cùng nhau thưởng thức món ăn ngon, nói với nhau câu chuyện lâu ngày gặp gỡ và chia vui với chủ nhà. Bởi ai cũng chăm chăm vào chuyện lấy phần thì còn để ý gì đến những chuyện khác nữa.

Tôi cũng nói thật, bữa cỗ hôm đó khiến tôi khá ác cảm về chuyện lấy phần. Dù sau đó, chồng tôi cố giải thích những ý nghĩa tốt đẹp của nó.

Độc giả Tuyết Mai