Giảm giá không "cứu" được thị trường chạm đáy
Anh T.Sơn (Cầu Giấy, Hà Nội) có ý định mua một chiếc xe 4 chỗ phục vụ nhu cầu đi lại cho gia đình. Nhưng dịch bệnh và những thay đổi của thị trường đã khiến anh tạm gác lại ý định mua sắm xe một thời gian nữa. Anh Sơn cho biết: "Giá xe đang giảm sâu nhưng có thể xuống nữa nếu được giảm thuế, phí. Vì vậy, tôi sẽ đợi thêm một thời gian để thị trường ổn định hơn”.
Hạn chế mua sắm vì dịch bệnh và cả tâm lý chờ đợi giảm giá thêm đang là những rào cản khiến thị trường ô tô ảm đạm nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam VAMA cho thấy, doanh số bán hàng tháng 3/2020 giảm tới 41% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh số xe du lịch tháng 3 đạt 13.071 chiếc.
Tính đến hết quý I/2020, doanh số của các hãng xe thuộc VAMA đạt trên 50.000, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng xe du lịch (dưới 9 chỗ ngồi) giảm tới 35%. Đây là quý có sức mua xe giảm thấp nhất trong vòng 5 năm qua tại Việt Nam.
Theo thống kê của VAMA, hầu hết các thương hiệu ô tô đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn khi doanh số bán hàng sụt giảm mạnh. Cụ thể, doanh số của Ford Việt Nam giảm 48%, Toyota giảm 28%, Lexus giảm 45%, Mazda giảm 49%, Nissan giảm tới 58% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo dự báo của VAMA, doanh số bán hàng năm nay có thể giảm tới 15% so với dự báo của Hiệp hội trước đó. Điều này chắc chắn gây áp lực giảm sản lượng lên hầu hết các nhà sản xuất.
Ngay cả TC Motor, dù vẫn giữ nhịp tăng trưởng so với tháng trước nhưng doanh số bán hàng cũng kém xa so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường vẫn ảm đạm trong bối cảnh giá xe liên tục giảm từ đầu năm đến nay và ngày càng giảm sâu hơn. Đây là thời điểm giá xe xuống thấp nhất, khi hầu hết các hãng xe đều đang tung ra các chương trình giảm giá hấp dẫn nhất với mục tiêu kéo khách đến đại lý ngay sau khi dịch bệnh kết thúc. Ngoài ra, theo quy luật hàng năm, đây cũng là thời điểm các đại lý cần đẩy lượng hàng tồn để chuẩn bị tung ra sản phẩm mới.
Giá xe khó giảm thêm
Thị trường vẫn chưa thể phục hồi dù giá xe liên tục giảm xuống kể từ cuối năm ngoái đến nay. Làn sóng giảm giá dường như ngày càng mạnh hơn đưa giá xe “chạm đáy”.
Thời điểm cuối tháng 4, các hãng xe liên tiếp đưa ra thêm nhiều chương trình giảm giá, đặc biệt là ở các phân khúc xe trên dưới 1 tỷ đồng.
Thaco tung chương trình giảm giá cho Mazda CX-8 lên tới 150 triệu đồng. Mazda CX-5 và Peugeot 3008 cùng giảm 100 triệu đồng.
Nissan Việt Nam cũng giảm giá mẫu SUV Tera xuống thêm 120 triệu đồng, đưa mẫu xe này xuống mức giá thấp nhất kể từ khi vào Việt Nam.
Không có các chương trình giảm giá “chính hãng”, các đại lý cũng buộc phải tự điều chỉnh giá để bán được xe. Khảo sát giá xe cuối tháng 4, các đại lý đang tặng 100% phí trước bạ cho Hyundai Santa Fe (tương đương 100 - 120 triệu đồng), Honda CR-V giảm 150 triệu đồng hay mẫu SUV Subaru Forester cũng giảm tới 165 - 175 triệu đồng.
Dù nhiều người vẫn kỳ vọng giá xe có thể giảm tiếp nhưng điều này khó xảy ra bởi nhiều nguyên nhân.
Khi nhu cầu mua xe giảm, các hãng sẽ điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất của mình cho phù hợp. Trong khi đó, đối với xe nhập khẩu, khi các nhà máy nối lại sản xuất có thể phải đối mặt với việc thiếu hụt linh kiện và sẽ ưu tiên sản xuất cho các thị trường lớn hơn.
Về thuế/phí, cho đến thời điểm hiện tại, đề xuất giảm 50% phí trước bạ cho các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước nhằm kích cầu, cùng với các giải pháp về thuế tiêu thụ đặc biệt, gia hạn thuế... để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp của Bộ Công Thương và VAMA vẫn chưa được đồng ý.
Ngoài ra, trong văn bản góp ý vào dự thảo Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương xây dựng, Bộ Tài chính không ủng hộ phương án giảm thuế cho động cơ, hộp số ô tô. Điều này cũng khiến cho giá ô tô khó có thể giảm sâu hơn nữa.