Trà “vàng ròng” đắt như tôm tươi
Người ta nói “chén trà là đầu câu chuyện”. Bởi, khi ngồi bên nhau với tách trà thơm ngon, mọi người có thể sống chậm lại, cùng tâm sự với nhau những câu chuyện vui hay buồn và những suy ngẫm về cuộc sống.
Ở bất cứ nơi đâu, dù là nông thôn hay thành thị, miền ngược hay miền xuôi, trà đều là thức uống gần gũi và được dùng để tiếp đãi khách tới chơi nhà. Sau cây lúa, cây chè và chén trà luôn gắn bó thắm thiết với con người Việt Nam.
Hiện nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích khoảng 123.200ha. Sản lượng năm vừa qua đạt gần 1,1 triệu tấn búp chè tươi, tương đương với gần 200.000 tấn trà khô.
Theo đó, Việt Nam hiện đứng thứ 5 về diện tích trồng chè và thứ 6 trong bảng xếp hạng về sản lượng chè trên toàn thế giới. Đáng chú ý, nước ta có những rừng chè cổ thụ hàng vài trăm năm cho đến cả nghìn tuổi, những vùng trồng chè đặc sản chất lượng cao. Từ những đại ngàn chè cổ và những vùng chè đặc sản cho ra nhiều loại trà quý có giá đắt như “vàng ròng”.
Ví như vùng Tân Cương (Thái Nguyên), bà con hái phần búp nhỏ nhất trên cây chè để làm trà đinh. Thông thường, chè sẽ được hái theo phương thức 1 tôm 2 lá thì trà đinh chỉ lấy 1 phần trong nõn tôm, bé như hạt gạo.
Với hương thơm, vị ngọt, độ xanh trong hấp dẫn, giá cho mỗi cân trà đinh thượng hạng lên tới 6 triệu đồng. Vào các dịp Tết Nguyên đán, thứ trà "vàng ròng" này thường cháy hàng.
Tương tự, để thưởng thức chén trà trắng trong, giới mê trà phải chi ra 5-10 triệu đồng/kg bạch trà. Đây là loại trà được khai thác trên những cây chè Shan tuyết cổ thụ vài trăm cho đến hàng nghìn năm tuổi. Trà khi nhấp ngụm đầu tiên có vị chát nhẹ, nhấp ngụm thứ hai cảm nhận hương vị dịu dần, đến ngụm thứ ba bắt đầu chuyển ngọt dịu, sâu lắng.
Hồng trà Shan tuyết có giá bán lên tới 10 triệu đồng/kg cũng là loại trà tinh hoa nhất của những cây chè Shan tuyết cổ thụ. Đó chính là phần búp trà non nhất, được bao bọc bởi một lớp lông mao màu trắng, nhằm bảo vệ nó khỏi các điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng núi cao. Khi lên men và sấy khô hồng trà, lớp lông mao trên nó chuyển thành màu nâu đỏ.
Thậm chí, sản phẩm Thập Trà Long Đỉnh lấy cảm hứng từ vẻ đẹp hoang sơ và hương vị tinh khiết của 10 đỉnh núi trà danh tiếng tại Việt Nam như: Suối Giàng, Tà Xùa, Phìn Hồ… có giá lên tới 25 triệu đồng/bánh.
Chia sẻ với PV.VietNamNet, ông Trần Thế Cường, Giám đốc Công ty CP Tam Thất Hà Giang (doanh nghiệp chế biến và phân phối trà cao cấp), cho biết các sản phẩm trà Shan tuyết, bạch trà… đều “cháy hàng” từ giữa tháng 12 Âm lịch.
Theo ông Cường, bạch trà được thu hái từ những cây trà cổ thụ trên 500 tuổi có giá 5 triệu đồng/kg tới cả chục triệu đồng/kg; bạch trà hái từ cây 300 năm tuổi đến 500 tuổi có giá 3,5 triệu đồng/kg; cây từ 100-200 tuổi sẽ cho ra loại bạch trà giá 2,3 triệu đồng/kg…
Mức giá này tuy đắt đỏ nhưng mỗi sản phẩm trà lại mang một câu chuyện khác nhau cùng hương vị đặc biệt. Thế nên, sản phẩm thường được chọn mua làm quà biếu dịp lễ Tết.
Nâng cao giá trị “kho vàng xanh” 1,1 triệu tấn
Thống kê cho thấy, với sản lượng gần 200.000 tấn/năm, ngoài phục vụ nhu cầu nội địa, Việt Nam xuất khẩu 119.800 tấn chè, thu về 208,2 triệu USD trong năm 2023. So với năm trước đó, xuất khẩu chè giảm 18% về lượng và giảm 12% về giá trị.
Nguyên nhân là do nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chính như Pakistan, Đài Loan, Nga... giảm đáng kể. Cùng với đó, chủng loại chè của Việt Nam xuất khẩu vẫn chủ yếu ở dạng thô và hàm lượng chế biến thấp.
Trong khi đó, xu hướng tiêu dùng chè trên thế giới đã thay đổi, chuyển từ các sản phẩm chè thông thường sang các sản phẩm chè chế biến sâu, đặc sản. Điều này khiến hàng của Việt Nam gặp khó khi chậm đầu tư vào chế biến sâu và ít sản phẩm mới.
Chè Việt đang được xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Giá chè xuất khẩu bình quân trong năm 2023 dù tăng 7,4% so với năm 2022 song cũng chỉ đạt 1.738 USD/tấn. So với các quốc gia xuất khẩu chè lớn hiện nay, giá chè Việt gần như đứng “chót bảng”.
Nghiên cứu từ Research and Markets cho thấy, thị trường chè toàn cầu đạt 24,3 tỷ USD trong năm 2016, dự kiến sẽ đạt 37,5 tỷ USD vào năm 2025. Mức tăng trưởng của ngành chè ngày càng cao do lối sống thay đổi và tăng nhận thức của người tiêu dùng về việc uống chè có lợi cho sức khỏe.
Đi cùng với nhu cầu tăng cao, sản phẩm chè cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống. Theo đó, trà cao cấp uống tại nhà, trà có lợi cho sức khoẻ, trà pha lạnh… được dự báo sẽ là những dòng sản phẩm dẫn dắt thị trường trong giai đoạn tới.
Các chuyên gia cho rằng, với lợi thế về sản xuất, Việt Nam có những “kho vàng xanh” quý hiếm. Song, để chiếm lấy một phần trong “miếng bánh” 37,5 tỷ USD, ngành chè cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng. Đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam.
Cùng với đó, cần xây dựng chiến lược khai thác những rừng chè hàng ngàn năm tuổi ở nước ta. Đây là một lợi thế lớn để tạo dựng hình ảnh, xây dựng thương hiệu trà cao cấp Việt Nam.
Báo cáo của Hiệp hội Chè Việt Nam trước đó chỉ rõ, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn (khoảng 352 triệu USD), do tiêu thụ trong nước chủ yếu là các loại chè đặc sản đóng gói. Điều này cho thấy, không chỉ thị trường quốc tế mà ngay ở nội địa nhu cầu dùng trà cao cấp cũng rất cao.
Trong một lần chia sẻ những định hướng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nâng chiếc hộp sơn mài màu đen bên trong có 4 hũ được làm bằng thiếc đựng “tứ đại danh trà” gồm: bạch trà, diệp trà, hoàng trà và hồng trà (sản xuất từ chè Shan tuyết cổ thụ trên đỉnh núi Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).
Kèm theo đó là cuốn sách giới thiệu về từng loại trà bằng cả tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Việt, mở đầu là bốn câu: “Chót vót trên cao đỉnh Suối Giàng/Một vùng rộng lớn giống chè Shan/Cây to tán rộng vươn trong gió/Cành lớn búp non nổi tiếng vang”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: “Quan điểm chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông nghiệp đều nằm ở đây. Điều này rất đơn giản chứ không có gì phức tạp”. Từ một cây chè cổ thụ mọc ở Suối Giàng có thể làm ra 4 loại trà quý khác nhau. Và chủ thể của sản phẩm này không chỉ bán hàng (là những búp chè khô) mà bán cả một câu chuyện. Tư duy kinh tế chính là bán sự khác biệt.
“Ngày nay, người ta không mua sản phẩm nữa mà mua cách tạo ra sản phẩm đó, gồm tâm thế, văn hóa, câu chuyện, cảm xúc trong quá trình tạo ra sản phẩm”, ông nói. Thế nên, ai kể được câu chuyện giàu cảm xúc nhất qua sản phẩm thì người đó sẽ thắng.
Ở mỗi vùng sản xuất chè đều có những câu chuyện riêng gắn với văn hoá, lịch sử. Khi những câu chuyện về trà được lan toả cùng với chất lượng sản phẩm, chè sẽ không còn là cây xoá đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu của người nông dân.
Khi đó, giá trị của "kho vàng xanh" 1,1 triệu tấn cũng được nâng cao.