- Cần đưa ra chế tài xử lý những trường hợp kê khai tài sản không đúng quy định - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh trao đổi với báo chí bên lề Đối thoại giữa kỳ về sáng kiến phòng, chống tham nhũng sáng 16/8 tại Hà Nội.
Liên quan vấn đề kê khai và trách nhiệm giải trình với những tài sản tăng thêm của cán bộ, ông Hạnh cho hay trong dự thảo sửa đổi luật Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ quan tâm đến đối tượng kê khai, nội dung kê khai, đánh giá, kiểm tra, giám sát thu nhập tăng thêm…
Kê khai tài sản là hoạt động bình
thường. Ảnh minh họa: Bình Minh
Chế tài cần thiết
Trong dự thảo luật đã công khai, Thanh tra Chính phủ đề xuất mở rộng diện kê khai tài sản tới tất cả các
đảng viên, kể cả những người nghỉ hưu. Quan điểm của ông?
Tôi cho rằng kê khai là một hoạt động rất bình thường. Nếu chúng ta hoàn
toàn công khai minh bạch thì kê khai tài sản hoàn toàn đàng hoàng, có
thể tiến hành được. Tuy nhiên để quản lý cán bộ thuộc diện kê khai thì
cần một lộ trình nhất định, thời gian nào, thời điểm nào, nội dung nào
thì đối tượng kê khai ra sao, giám sát ra sao cần bàn thêm.
Việc kê khai tài sản hiện nay nhiều ý kiến đánh giá là có tiến hành nhưng không hiệu quả. Lần này trong thiết kế luật mới,
cần tính thế nào để người dân có thể giám sát hoạt động kê khai?
Tôi cũng rất quan tâm việc này, tuy nhiên các phương án cũng chỉ mới đề
xuất. Việc công khai tài sản thu nhập là cần thiết, đối tượng kê khai là
những cán bộ có chức có quyền, giữ những vị trí quan trọng của nhà nước
cần thiết phải công khai rõ ràng. Đó là vấn đề chúng tôi đề xuất. Còn
cụ thể chắc chắn sẽ còn nhiều tranh luận, bàn cãi.
Giải trình tài sản tăng thêm
Ngoài việc công khai bản kê khai thu nhập ở cơ quan, cũng có nhiều
người đề xuất công khai ở khu dân cư, nơi cư trú để tăng hiệu lực giám
sát. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Tôi nghĩ đó cũng là chuyện hết sức bình thường. Nếu chúng ta càng minh
bạch, càng rõ ràng thì công khai đến từng người dân là việc rất tốt. Tùy
từng giai đoạn, thời điểm, chúng ta cần tránh những bất cập của việc
công khai không được rõ ràng mà các điều luật chưa tính đến hết.
Còn trách nhiệm giải trình với tài sản tăng thêm, luật tới đây tính
thế nào, có xử lý người hoặc tịch thu tài sản không rõ nguồn gốc?
Trách nhiệm giải trình áp dụng với người có tài sản tăng thêm, đương
nhiên, đề cập đến trách nhiệm giải trình trong luật thì chế tài là cần
thiết.
Đề án kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức đã được
đặt ra từ khi luật Phòng chống tham nhũng được xây dựng nhưng giờ vẫn
chưa ra được văn bản điều chỉnh cụ thể. Trong khi thu nhập cán bộ chủ
yếu là từ lương. Có khó khăn gì khiến chưa triển khai trong thực tiễn
hiệu quả?
Để triển khai được cần đồng bộ rất nhiều khâu, rất nhiều thứ. Vấn đề gì
công khai ta kiểm soát được rất rõ ràng và hiện thực ngay.
Có ý kiến cho rằng việc mở rộng diện cán bộ phải kê khai tài sản
không quan trọng bằng việc thực hiện sao để việc kê khai, công khai tài
sản của
lãnh đạo chủ chốt trở nên thực chất hơn, tránh hiện tượng hình thức như
thời gian qua?
Tôi cho rằng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc kê khai tài
sản, thu nhập đối với những cán bộ giữ vị trí quan trọng là cần thiết.
Việc đó sẽ được đưa vào luật và các nghị định, văn bản hướng dẫn cụ thể.
Chúng ta cũng phải đưa ra chế tài để xử lý trong những trường hợp kê
khai không đúng quy định.
L.Thư ghi