- Có lẽ hơn mười năm trở lại đây, không học sinh nào là không biết tập dượt khai giảng. Hoạt động này thậm chí đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong các hoạt động giáo dục của nhà trường.

TIN LIÊN QUAN:


Niềm vui trong ngày khai giảng. (Ảnh có tính chất minh họa). Văn Chung

Ngày 8/8/2012, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, trường học không được yêu cầu học sinh tập dượt khai giảng quá nhiều trước ngày khai giảng.

Thế nào là tập quá nhiều? Tập bao nhiêu thì đủ? Đủ so với cái gì?

Trả lời câu hỏi "Ai khai sinh ra nó và để nó tồn tại"? thì công văn gần như đã gián tiếp trả lời: Không phải Sở. Nhưng thấy các trường yêu cầu các học sinh tập dượt đến bở hơi tai, đến chán chường cái chuyện đứng ngay hàng, nghiêm nghỉ,…mới có cái công văn trên yêu cầu các trường bớt lại. Cũng không phải là cấm.

Vậy tập dượt để làm gì mà các ban giám hiệu ở các trường hăng hái đến vậy? Có lẽ vì thói quen trong nếp nghĩ muốn thấy một buổi lễ khai giảng chỉn chu, nghiêm túc, đàng hoàng. Nhất là trong buổi lễ quan chức cấp trên về dự nữa.

Cũng chẳng có gì đáng nói nếu muốn làm tốt một việc gì đó. Song với việc tổ chức tập dượt đã thành quen lệ nhiều năm, những người làm giáo dục có lẽ đã bỏ quên một phần quan trọng trong sự nghiệp giáo dục của nhà trường, đó là cảm xúc của học trò.

Cảm xúc gì ở đây, khi lễ khai giảng chỉ là buổi diễn lại? Đánh trống khai trường cái gì đây khi mà trường đã học hơn nửa tháng rồi?

Nói về cảm xúc ngày khai giảng, không ai là không nhớ tác phẩm: "Tôi đi học" của nhà thơ, nhà văn Thanh Tịnh. Những cảm xúc rưng rưng mà ai đã đọc một lần gần như không thể quên được trong cả cuộc đời.

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.”

“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”

Vẫn biết cái cảm xúc lần đầu tiên đi học, là một cảm xúc mãnh liệt, hơn hẳn cái cảm xúc lớp 5 lên lớp 6, lớp 9 lên 10, hay là cảm xúc 10 lên 11 chẳng hạn. Song cảm xúc là cảm xúc, làm sao con người không có được. Nghe lời bài hát “Nỗi buồn hoa phượng” của nhạc sỹ Thanh Sơn, ai bảo rẳng 3 tháng hè chẳng có gì để nói?

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi,
Phút gần gủi nhau mất rồi
Tạ từ là hết người ơi!”

“Giã biệt bạn lòng ơi! Thôi nay xa cách rồi
Kỷ niệm mình xin nhớ mãi,
Buồn riêng một mình ai
Chờ mong từng đêm gối chiếc
Mối u hoài này ai có hay”

Cứ cho đây là cái cảm xúc của trai gái chớm yêu nhau. Nhưng hoạt động tình cảm, tâm lý của học sinh trong 3 tháng hè đâu phải có chừng đó là hết. Còn bạn bè, ông bà, quê hương…chỉ có điều chưa có ai nói giùm ra mà thôi.

Việc tập dượt khai giảng, quả thực đã giết chết những cảm xúc đầu đời đáng yêu này một cách... tưởng chừng như vô hại mà nguy hai. Chẳng có cảm xúc gì nữa. Khai giảng là trách nhiệm đúng giờ, đứng ngay hàng, im lặng… Mà đúng ra là trách nhiệm của người lớn, chứ chẳng phải của học trò.

Nếu Thanh Tịnh ngày xưa cũng tập dượt khai giảng như bây giờ, thì liệu ông có viết lên nổi áng văn bất hủ đó? Người ta muốn thấy một lứa học trò hàng lối xộc xệch, nhưng đầy cảm xúc đáng yêu, hay người ta muốn thấy một lớp học trò hàng lối ngay ngắn thẳng tắp, nhưng đầu óc không cằn như một con rô-bốt?

Liệu có nói quá không, khi cho rằng đây là một biểu hiện của bệnh thành tích?

  • Đào Văn (Phú Yên)

**********************

Mời độc giả chia sẻ hình ảnh, suy nghĩ, cảm xúc về ngày khai trường theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Cảm ơn các bạn