– Do “khám bệnh siêu tốc”, ỉ lại vào máy móc, đã có những sai sót đáng tiếc trong chẩn đoán bệnh. Và người cuối cùng chịu hậu quả của tình trạng này không ai khác chính là người bệnh.

Để máy móc chẩn bệnh thay người

Tình trạng khám ‘siêu tốc’ cũng đã khiến một thực tế khác phát sinh. Đó là bác sỹ vì quá nhiều bệnh nhân nên thay vì chú trọng vào khâu tự khám lâm sàng cho người bệnh thì nay họ “nhờ” nhiều vào máy móc, thiết bị chụp chiếu, xét nghiệm. Như vậy thì lượng bệnh nhân mới được giải quyết kịp thời.

Khám lâm sàng đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán đúng bệnh (Ảnh: N.A)

Ông Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Theo quy trình khám chữa bệnh của Bộ Y tế thì khi người bệnh đến viện, bác sĩ phải khám lâm sàng trước để đưa ra định hướng xem người bệnh có thể mắc bệnh gì.

Từ định hướng đó, họ đưa ra các chỉ định về chụp chiếu, xét nghiệm nhằm củng cố chẩn đoán ban đầu của mình rồi từ đó đưa ra hướng điều trị.

Nhưng hiện nay, có những bác sỹ cho người bệnh đi xét nghiệm, chụp chiếu trước rồi quay lại khám sau. Xét nghiệm để chẩn đoán bệnh là sai nguyên tắc và rất nguy hiểm. Bởi xét nghiệm ở ta không phải chỗ nào cũng được chuẩn hóa và đảm bảo đạt chuẩn.

"Máy móc có sai lệch nhiều, không thể “nhạy cảm” như con người được”, ông Kính nói.

Theo ông Kính, khám lâm sàng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh. Bằng kiến thức, kinh nghiệm của mình, rất nhiều bác sỹ giỏi đã có thể chẩn đoán đúng bệnh trong thời gian ngắn (không nhất thiết cứ khám lâu thì mới là chuẩn).

Còn với bác sỹ ít kinh nghiệm, phải khám kỹ, thăm dò kỹ các thông tin do người bệnh cung cấp thì hướng chẩn đoán mới chuẩn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi mà tình trạng quá tải đã rất trầm trọng thì người thầy thuốc không có nhiều cơ hội thuận lợi để làm được điều này.

Nhiều sai sót trong chẩn đoán bệnh


Chính vì chuyện “khám siêu tốc”, ỉ lại vào máy móc nên đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra do chẩn đoán bệnh sai.

Ông Lý Ngọc Kính cho biết, trong ngành y đã từng xảy ra chuyện có những bác sỹ vì chủ quan, không khám lâm sàng kỹ, tin tưởng tuyệt đối vào các xét nghiệm nên đã chẩn đoán bệnh nhân mắc viêm gan C.

Đây là một bệnh điều trị rất tốn kém, riêng tiền thuốc đã có thể lên tới cả chục triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn điều trị, bệnh nhân đã khám lại, làm lại các xét nghiệm và kết quả cho thấy họ không hề mắc viêm gan C như chẩn đoán ban đầu!

“Máy móc không thể chính xác được, chỉ là công cụ hỗ trợ bác sỹ chứ không thể chẩn đoán bệnh thay cho bác sỹ. Cộng với nhiều yếu tố khác (như chất lượng máy móc, quy trình làm xét nghiệm, vv…) thì kết quả cuối cùng luôn có sai số nhất định.

Trong đó, có khi kết quả xét nghiệm ở mức 1 thì là bình thường, nhưng ở mức 2 thì đã là bất thường và thành bệnh. Và hệ quả tất yếu là chẩn đoán cuối cùng về bệnh sẽ không thể chính xác”, ông Kính nói.

Khám bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện K. Đây là một trong những bệnh viện quá tải nhiều nhất trên cả nước, mỗi ngày một bác sỹ của viện này có thể phải khám cho 100 người - (Ảnh: N.A)

Hay như chuyện mà bác sỹ Phan Xuân Trung (Trung tâm y khoa Medic TP.HCM) từng chia sẻ trên website ykhoanet của mình về một bệnh nhân không bị tiểu đường nhưng lại bị bác sỹ của bệnh viện công xác định là bị tiểu đường.

Nghĩ đây là bệnh của “nhà giàu”, người bệnh khốn khổ này đã tìm mọi cách để có tiền chữa bệnh. Và trong một phút không kiềm chế được bản thân, anh đã làm chuyện phạm pháp rồi phải vào tù 3 năm.

Ra tù, anh làm đủ nghề để kiếm sống và trong đầu vẫn treo lơ lửng “án bệnh”. Sau một thời gian vật lộn, anh đã có đủ tiền đi khám lại thì lần này, bác sỹ kết luận anh chẳng hề bị tiểu đường như chẩn đoán trước đây!

Vậy là chỉ vì một chẩn đoán sai của bác sỹ mà cuộc đời của người bệnh này đã chuyển sang một hướng hoàn toàn khác với nhiều thăng trầm…

Cũng vì chuyện khám siêu tốc rồi ỉ lại vào máy móc, xét nghiệm (trong khi các thiết bị này chưa được chuẩn hóa) nên có không ít người bệnh khốn khổ vì chạy đi nơi nào khám bệnh cũng đều ra một bệnh khác với chẩn đoán trước đó khiến họ không biết đường nào mà lần.

Hiện nay, ngành y tế (cũng như những tổ chức nghiên cứu độc lập khác) chưa có thống kê chính thức nào về tình trạng sai sót trong chẩn đoán bệnh trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các bác sỹ, chuyện khám chữa bệnh trong bối cảnh hiện nay (quá tải trầm trọng, y đức xuống cấp, lạm dụng xét nghiệm, chụp chiếu tràn lan, vv …) tất yếu sẽ dẫn đến những hệ quả không mong muốn.

Trong khi đó, người bệnh mỗi khi đi viện là giao phó tính mạng mình cho người thầy thuốc. Kết quả chẩn đoán của bác sỹ có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực, thậm chí làm thay đổi cuộc sống của mỗi bệnh nhân, mỗi gia đình.

Vì thế, họ chờ đợi ở người thầy thuốc sự tận tụy và trách nhiệm hết mình.

Sai sót trong quá trình điều trị

Ngoài những sai sót trong chẩn đoán bệnh, ngành y còn gây ra khá nhiều bức xúc khi tạo ra những sai sót trong quá trình điều trị.

Đó là chuyện quên gạc trong ổ bụng của bệnh nhân, phẫu thuật sai khiến bệnh nhân biến chứng dẫn đến tử vong, vv…

Thời gian vừa qua, các phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa nhiều thông tin về những sai sót trong y khoa làm dấy lên lo ngại về chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập.

N.Anh

Khám bệnh siêu tốc ở VN: 1 phút 1 người!
Tại nhiều bệnh viện trung ương, tình trạng quá tải đã khiến nảy sinh chuyện “khám bệnh siêu tốc”: Mỗi bệnh nhân chỉ có được 1 đến vài phút để bác sỹ khám