Trang Dầu khí tiếp tục đăng loạt bài của TS. Trần Ngọc Toản – Nguyên Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam về những nghiên cứu khoa học sau những chuyến đi thực tế trên các giàn khoan ở biển Đông.

Nội dung bài báo trích từ tác phẩm "Biển Đông vẫy gọi" của TS. Trần Ngọc Toản



Chú Giàn trưởng đón chúng tôi đưa đi quanh một vòng để xem máy móc làm việc. Lần đầu tiên tôi thấy dầu thô, một loại chất lỏng màu nâu đậm mùi hăng hắc vừa đủ loãng để chảy theo máng đến thùng lọc. Đây là loại dầu ngọt , nhẹ, rất có giá trị trên thị trường. Dầu được thu về nhưng khí đồng hành lại phải đốt bỏ vì không đưa được vào bờ nên mới có ngọn lửa nhìn thấy trên kia.

Phòng câu lại bộ có đủ tivi màu và nhiều đồ chơi giải trí. Ngồi quanh chiếc bàn bên cạnh các ly cà phê khói bốc thơm phức, chúng tôi nghe lịch sử mỏ với đầy đủ những gian truant, thăng trầm làm bạc bao nhiêu mái tóc.

Ông Thanh, ông Luân, những kỹ sư đã có kinh nghiệm hơn 30 năm khoan dầu, tóc như rễ tre, giọng Bình Định nặng trịch nói một cách vừa khôi hài vừa nghiêm túc rằng khai thác dầu đâu có phải dễ ăn như một số người chuyên trách chê bai nói “bốc tài nguyên lên bán” một cách vô duyên.

Dầu mỏ ở giữa biển cả mênh mông, sâu trong lòng đất. Nếu không có kỹ thuật cao, không có tư duy địa chất đúng thì không thể tìm ra. Khi đã tìm ra rồi nếu không có phương tiện hiện đại để xác định tọa độ mỏ một cách chính xác để ghi lên bản đồ thì sau này quay lại cũng không biết mỏ ở vị trí nào trên mặt biển bao la.

Và khi đã biết vị trí rồi mà không có thiết bị khoan có thể khoan sâu đến 4 – 5 km trong điều kiện sóng gió, thành giếng không sụp lở thì dầu khí cũng không phun lên được. Đó là chưa kể khi mỏ không đủ áp suất tự nhiên để đẩy dầu lên thì phải làm thế nào để khai thác được dầu. Vai trò của kỹ thuật và tri thức của con người trong ngành dầu khí là như vậy.

Mỏ Đại Hùng được công ty Mobil Mỹ tìm ra và bắt đầu khoan giếng đầu tiên ngày 10-3-1975. Tới độ sâu 1.747 mét thì miền Nam được giải phóng. Công việc ngừng. Tàu khoan rút đi. Mãi đến 1988-1991, Liên doanh dầu khí Việt Xô (Vietsovpetro) mới xác minh lại sự hiện diện của các tầng dầu ở Đại Hùng.

Sau đó mỏ được giao cho một tổ hợp gồm các công ty dầu quốc tế do công ty BHP (Úc) điều hành đến tháng 10- 1994 mới bắt đầu khai thác với sản lượng ban đầu 4.660 tấn/ngày. Nhưng đến năm 1997, tức là chỉ sau ba năm thì sản lượng chỉ còn 1.022 tấn/ngày.

Họ tính toán thấy đầu tư không hiệu quả nên lần lượt rút lui. Mỏ chuyển bán lại cho công ty Petronas (Malaysia). Đến năm 2001 sản lượng tiếp tục giảm, chỉ còn 389 tấn/ngày và đến lượt Petronas cũng ra đi.

Vietsovpetro và sau đó là công ty PVEP của Tổng công ty dầu khí Việt Nam được nhà nước giao cho thăm dò lại. Hiện nay sản lượng lại đạt 3000 tấn/ngày và đang tiếp tục tăng. Như vậy không phải chỉ có công nghệ mà quản lý cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Quản lý không giỏi thì có của cũng vẫn cứ là nhà nghèo vì tài sản sẽ đội nón ra đi.

Chúng tôi còn khâm phục tài năng sáng tạo của những người thợ khoan và khai thác dầu của Việt Nam. Tạo hóa đã cho con người Việt Nam một bộ óc thông minh không kém bất cứ dân tộc nào. Nếu có điều kiện tốt và nếu có một lý tưởng đúng để hướng dẫn cuộc sống thì trí thông minh đó sẽ được khuếch đại lên nhiều lần, nhanh chóng đưa Tổ quốc ta đến văn minh, hiện đại.

Còn tiếp…

  • TS. Trần Ngọc Toản (Nguyên Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam)