Sự kịch tính, căng thẳng và bất ngờ thống trị suốt 3 tiếng đồng hồ của bộ phim về hành trình đi tìm tự do của nô lệ da đen tên Django.
Sao chi triệu đô để bảo hiểm chỗ nhạy cảm
Bộ Văn hóa không quan tâm đến việc Lý Nhã Kỳ “khoe của”
Phú Quang từng định nhảy tàu tự tử
Những gì diễn ra trên màn ảnh là minh chứng thuyết phục cho hai giải Oscar 2012 mà bộ phim “Django Unchained” (tựa Việt “Hành trình Django”, khởi chiếu tại VN từ ngày 15/3) đoạt được: giải kịch bản gốc xuất sắc cho biên kịch kiêm đạo diễn Quentin Tarantino và giải nam diễn viên phụ cho Christoph Waltz.
Một cảnh bạo lực “nhẹ đô” trong “Django Unchained
Đạo diễn đã khéo léo dẫn dắt người xem đi suốt chuyến hành trình với đầy những bí mật phía trước, để qua mỗi chặng họ lại tự hỏi còn bất ngờ nào đang chờ đón? Ông cũng biết cách cài cắm các tình tiết để đem ra sử dụng vào phút cuối mà không thừa một chi tiết nào.
Cùng với sở trường tạo bất ngờ là cách đẩy tình tiết đến những giới hạn cuối của nỗi đau, của chịu đựng, của cái ác và của tàn khốc. Bằng một vài cảnh mô tả sự kỳ thị và tra tấn nô lệ, “Django unchained” đã tái hiện rõ nét thân phận những người da màu trong xã hội Mỹ thời thập niên 50, 60 của thế kỷ 19.
Người da màu lúc đó chỉ được xem như những món hàng mà người da trắng có thể làm bất cứ điều gì, kể cả dùng nhục hình hay xem họ như thú tiêu khiển. Nhưng nỗi đau lớn hơn chính là tình yêu của họ bị chia cắt, hay đành bất lực nhìn người mình yêu bị hành hạ.
Leonardo DiCaprio chứng tỏ không chỉ đóng được vai người hùng, mà còn cả vai kẻ ác tàn độc
Điển hình cho cái ác được tập trung vào nhân vật chủ đồn điền Candie (Leonardo DiCaprio đóng). Và Leo một lần nữa chứng tỏ sự đa dạng diễn xuất của mình khi thể hiện sự tàn bạo khiến khán giả phải thót tim cùng với những nô lệ trong tay Candie. Cái ác không cần phải là trực tiếp ra tay, mà theo kiểu mèo vờn chuột mới thực sự đáng sợ.
Còn sự tàn khốc là yếu tố bao trùm cả bộ phim, thể hiện qua những cảnh giao tranh, bắn giết và trả thù đôi khi bị cố tình làm quá. Cảnh máu phun đỏ cả vạt hoa trắng hay tưới ướt gương mặt Django, ngoài giá trị hình ảnh còn mang lại cảm xúc mạnh mẽ, mà những người yếu tim có lẽ sẽ khó chịu đựng nổi.
Để có được một bộ phim đầy cảm xúc này, không thể không nhắc đến dàn diễn viên tài năng gồm: Jamie Foxx (Django), Christoph Waltz (Dr. King Schultz), Leonardo Di Caprio (Calvin Candie), Kerry Washington (Broomhilda) và Samuel L. Jackson (Stephen). Trong đó, Christopher Waltz một lần nữa lại cùng với Quentin Tarantino làm thành một cặp bài trùng sau “Inglorious Basterds”, và chiến thắng thuyết phục giải Oscar Nam diễn viên phụ xuất sắc. Trong vai một tay săn tiền thưởng ghét chế độ nô lệ, Christopher luôn khiến người xem phải thích thú và bất ngờ với lối diễn xuất thông minh, sáng tạo, bỡn cợt và tưng tửng của ông.
Minh Khôi