Tối 19/1, vở kịch Âm binh (tác giả Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn Xuân Hồng) của CLB Sân khấu thuộc đại học Sân khấu và điện ảnh TP.HCM đã ra mắt khán giả thủ đô. Trước đó, mặc dù chỉ giành huy chương bạc tại Liên hoan sân khấu toàn quốc 2012 nhưng nó đã “làm mưa làm gió” ở sân khấu TP HCM.
Lấy bối cảnh mùa hè đỏ lửa năm 1972 khi chiến sự đang diễn ra ác liệt giữa Quân Giải phóng và quân đội Việt Nam Cộng hòa, với không gian là một khu vườn hoang sơ vắng vẻ ở làng Cát, tác giả Nguyễn Quang Vinh đã khắc họa một bức tranh bi tráng về số phận con người trong và sau chiến tranh.
Ở làng Cát, vào cái đêm âm u tận cùng đau đớn, Nhi đã phải tiễn đưa đứa con bé bỏng bị trúng đạn pháo mới tròn 3 tháng tuổi về với đất. Những dòng sữa mát trong cứ căng tràn trong ngực người mẹ trẻ, nỗi nhớ con quay quắt khiến người đàn bà càng hận thù những kẻ đã khiến con mình phải chết.
Nhưng rồi số phận đưa đẩy, Nhi đã phải dùng chính những dòng sữa này để cứu sống hai thương binh, Quân của quân đội giải phóng và Trung của quân đội cộng hoà. Hai người đàn ông luôn đối đầu nhau ấy đã mỗi người một con đường, người chiến thắng mải mê với công việc, kẻ chiến bại tìm đường vượt biên. Chỉ có mỗi mình Nhi sống cô đơn trong cùng khu vườn hoang vắng-nơi đó có mộ của cha mẹ, chồng, con cô và nhiều linh hồn khác. Nhi chịu nhiều tai tiếng khi cứu sống cùng lúc hai người lính thuộc hai phe đối nghịch.
Con tạo xoay vần, 30 năm sau, hai người đàn ông tưởng chừng như không thể hòa hợp ấy lại hợp tác với nhau. Một người trở thành lãnh đạo cấp cao, một là Việt kiều yêu nước, họ cùng về khu vườn, nơi Nhi từng cứu sống họ để làm giàu cho quê hương Nhi.
Câu chuyện trong Âm binh là một câu chuyện không có gì mới, đó là thực trạng vẫn xảy ra trong chiến tranh. Nhưng Âm binh mang đậm giá trị về văn hóa Việt.
Chỉ với 4 nhân vật quẩn quanh cái làng Cát bé nhỏ nhưng đã thật sự khiến khán giả xúc động. NSƯT Hoàng Yến đã lột tả rất thành công nhân vật Nhi từ khi còn là một cô gái trẻ cho đến khi về già. Đạo diễn kiêm diễn viên Xuân Hồng và diễn viên Trọng Hiếu cũng đã thể hiện rất tròn vai 2 người lính Trung và Quân.
Điểm mới lạ và góp phần không nhỏ vào thành công của vở diễn phải nói tới họa sĩ, diễn viên Đức Trí với vai Gốc phi lao. Gốc phi lao hầu như không có thoại nhưng với việc lặng lẽ ngồi ở góc vườn yên tĩnh, chứng kiến câu chuyện đau thương của cả cuộc đời Nhi. Đức Trí đã khéo léo sử dụng cát để vẽ lên tranh nền với không gian và thời gian cụ thể. Bằng việc chiếu slide, khán giả hoàn toàn bị mê hoặc vào không gian mà Đức Trí tạo ra. Khi thì bờ biển dài cùng hình ảnh mặt trăng, cát, gió, sóng, những bờ lau cỏ dại trong khu vườn cát, gương mặt người con gái trẻ với mái tóc dài gợn xoăn như sóng biển, gương mặt người phụ nữ vấn khăn trên mái tóc khi đã luống tuổi…
Âm binh, nếu hiểu theo nghĩa đen là thế lực cõi âm. Nhưng quả thật, Âm binh ở đây lại là gió, là cát, là sự thẫm đẫm mồ hôi của thế hệ ông cha để làm nên tổ quốc. Vở diễn khép lại với hình ảnh vầng dương chiếu rọi tương trên mảnh đất đầy đau thương, âm binh trong lòng đất giờ đã bình yên.
Một vài hình ảnh trong buổi diễn:
Tình Lê