Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành trong một buổi đào tạo cho các nghệ sĩ trẻ. |
- Thưa anh, thời gian qua người dùng mạng vô cùng khó chịu, bức xúc trước sự xuất hiện ngày càng nhiều của ngôn từ rác trên mạng xã hội, đặc biệt đến từ người nổi tiếng - đối tượng có ảnh hưởng đến giới trẻ. Anh nhận định thế nào về hiện trạng này? Có phải đã đến lúc cần báo động đỏ về văn hóa trên mạng của người Việt?
Internet xuất hiện tại Việt Nam năm 1997 và đã ngay lập tức tạo ra những thay đổi lớn trong xã hội, đặc biệt trong cách giao tiếp trong xã hội. Nhưng phải đến những năm 2004, với sự ra đời của Facebook, Youtube, Twitter mới thực sự mang lại sự bùng nổ về giao tiếp trên mạng xã hội. Ai cũng có thể trở thành một nguồn phát thông tin từ text cho đến audio, video. Tình trạng này giống như ai cũng có thể là giám đốc một kênh truyền hình, truyền thanh, là tổng biên tập của một tờ báo, có thể phát thông tin như một nhà báo nhưng lại không hề được đào tạo về cách lấy tin, kiểm chứng tin và "có cảm giác" như không phải chịu trách nhiệm về những gì mình nói.
Chính cảm giác này đã tạo ra những cách hành xử, ứng xử thô lỗ, thiếu văn hóa và thậm chí nguy hiểm với hình ảnh quốc gia. Cuộc sống đã được chuyển dần lên không gian mạng. Giao tiếp trên không gian mạng cũng giống như tham gia giao thông, nếu không có nguyên tắc, luật lệ thì chắc chắn tai nạn sẽ xảy ra. Đã đến lúc phải đưa ra những quy tắc để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
- Tại nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, trước khi học hát học nhảy, các thành viên nhóm nhạc, nghệ sĩ đều được học cách cư xử trước tiên. Trong khi ở Việt Nam cách cư xử của từng người được cho là nổi tiếng phụ thuộc vào phông văn hóa của họ. Theo anh, đã đến lúc khán giả dùng quyền năng tẩy chay của mình với những nghệ sĩ tục tĩu, bê bối để dần loại bỏ những ngôn từ rác trên mạng xã hội?
Tẩy chay là quyền lực tối thượng của công chúng và khán giả. Đó cũng là cách "trừng phạt" hiệu quả nhất. Khán giả cần dùng đến "vũ khí" này thường xuyên hơn để buộc người nổi tiếng phải thận trọng khi hành xử ứng xử. Người nổi tiếng đã phải bỏ ra nhiều công sức để có được vị trí trong lòng người hâm mộ, họ cũng nên dành thời gian để học cách sống trên không gian mạng. Bản thân tôi cũng tham gia vào nhiều lớp đào tạo nghệ sĩ trẻ và tôi thấy họ tiếp nhận những điều này một cách tự nhiên. Trong thời gian tới, nên bổ sung kỹ năng sống trên mạng xã hội vào nhóm kỹ năng mềm được đào tạo bắt buộc trong các trường nghệ thuật và cả các trường phổ thông và đại học.
Khán giả nên dùng quyền lực tối thượng của mình để tẩy chay những nghệ sĩ vô văn hóa. |
- Tác động tiêu cực của những ngôn từ tục tĩu đến từ người nổi tiếng ảnh hưởng thế nào tới những người hâm mộ? Anh có lo ngại không thể ngăn các con mình bị tiếp xúc với những thứ rác mạng này?
Người nổi tiếng luôn có ảnh hưởng mạnh mẽ tới người hâm mộ. Sự ảnh hưởng này có thể khuyến khích người hâm mộ có những hành động tốt hay tiêu dùng những sản phẩm mà người nổi tiếng đại diện hoặc khuyên dùng. Không phải tự nhiên mà nhiều người nổi tiếng đại diện cho các nhãn hàng hoặc đứng ra tự sản xuất các sản phẩm dịch vụ của chính mình. Khi quá hâm mộ ai đó, người ta mất đi khả năng phản biện và có thể có những hành động thiếu suy nghĩ, gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.
Thế nên khi người nổi tiếng có những hành động lệch chuẩn, nhiều người hâm mộ, đặc biệt là người vị thành niên sẽ bắt chước theo. Tôi nghĩ rằng 4 nguyên tắc được đưa ra trong Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội: tôn trọng người khác, đưa thông tin lành mạnh lên mạng, có kiến thức về An toàn, bảo mật thông tin và chịu trách nhiệm với những gì mình nói sẽ giúp tránh được nhiều sự cố và khủng hoảng truyền thông.
- Mới đây Bộ TTTT đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội như một cách để cảnh báo, chấn chỉnh những hành động vô văn hóa trên mạng, theo anh ra bộ quy tắc ứng xử lúc này có tầm quan trọng như thế nào và có giúp góp phần thay đổi tình trạng lộn xộn hiện nay không, đặc biệt là với các đối tượng là người nổi tiếng? Liệu có cần ra bộ quy tắc ứng xử riêng hay chế tài xử phạt dành cho những người này?
Đây là một bước tiến quan trọng trong việc tạo lập một không gian mạng lành mạnh và trong sạch tại Việt Nam. Mọi thứ đều phải có điểm bắt đầu, bộ quy tắc ứng xử được ban hành vào thời điểm này là hoàn toàn phù hợp và đúng thời điểm. Cùng với Luật An ninh mạng, bộ quy tắc hoàn thiện các quy định luật pháp để điều chỉnh các hành động lệch chuẩn. Để điều chỉnh điều lệch chuẩn cần xác định thế nào là chuẩn.
Bộ quy tắc cho ta cơ sở để xác định điều ấy. Tuy nhiên, theo tôi, để đưa quy tắc vào cuộc sống thành công, 80% nỗ lực cần được dồn vào giáo dục, truyền thông, tuyên truyền và 20% đến từ việc chế tài mạnh mẽ. Tại nhiều nước phát triển, các quy tắc ứng xử được đưa vào trường học rất sớm và giúp thanh thiếu niên bước vào không gian mạng với những kiến thức chuẩn. Tôi hy vọng bộ quy tắc sẽ sớm được đưa vào các trường học để học sinh sinh viên biết, hiểu và thực hành, qua đó góp phần vào tạo dựng một môi trường mạng lành mạnh.
Mỹ Anh
Ca sĩ, người mẫu phát ngôn tục tĩu trở thành trào lưu trên mạng xã hội
Livestream chửi bới, dằn mặt, bóc phốt bất cứ ai, kể cả là đồng nghiệp, người hâm mộ, hàng loạt người nổi tiếng trong showbiz Việt đang khiến công chúng phẫn nộ.