Cụ thể, ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy từ năm 2020-2023 Việt Nam có khoảng 269.681 ca tử vong do đề kháng kháng sinh. Tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam ở mức cao do nhiều yếu tố như lạm dụng và sử dụng kháng sinh quá mức, bán thuốc kháng sinh không có đơn thuốc của bác sĩ và chỉ định sử dụng kháng sinh chưa phù hợp.

Cũng về vấn đề này, trong hội thảo Hội thảo khoa học “ Quản lý đề kháng kháng sinh và nhiễm khuẩn hô hấp” do Bộ Y tế tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết đề kháng kháng sinh là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với sức khỏe con người. Tại Việt Nam, tình trạng này cũng không ngoại lệ. Các báo cáo cho thấy tỉ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh đang gia tăng nhanh chóng. Điều này dẫn đến việc nhiều bệnh lý nhiễm khuẩn trở nên khó điều trị hơn, tốn kém hơn và kéo dài thời gian điều trị.

Theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này bao gồm: sử dụng kháng sinh không đúng cách (tự ý sử dụng kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ, sử dụng kháng sinh không đủ liều, hoặc dùng kháng sinh không cần thiết”; quản lý kháng sinh chưa hiệu quả (thiếu sự giám sát và kiểm soát chặt chẽ trong việc kê đơn và sử dụng kháng sinh); ý thức cộng đồng về kháng sinh còn hạn chế (người dân chưa có kiến thức đầy đủ về tác hại của việc lạm dụng kháng sinh). 

Ông Thomas Gass, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, cũng nhận định tại nước ta, vấn đề kháng kháng sinh có thể dẫn đến bẫy đói nghèo, làm gia tăng tổn hại về kinh tế cũng như các gánh nặng đối với nhiều gia đình và những người bệnh. Tình trạng kháng kháng sinh đang tạo ra gánh nặng như một đại dịch thầm lặng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

đại sứ thuỵ sĩ
Ông Thomas Gass, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam phát biểu tại buổi khởi động Chương trình Cộng đồng về Phòng, chống kháng kháng sinh (AMR). Ảnh: TT

Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu chung là làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm, đồng thời đảm bảo sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; chiến lược đã đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu và biện pháp cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng; Củng cố hệ thống giám sát để đưa ra cảnh báo kịp thời; Giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm và sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và có trách nhiệm.

Hưởng ứng chiến lược quốc gia, Chương trình Cộng đồng về Phòng, chống kháng kháng sinh (AMR) đã chính thức được khởi động nhằm kêu gọi người dân cùng hành động phòng, chống tình trạng kháng thuốc kháng sinh để bảo vệ con người, xã hội và các thế hệ tương lai của đất nước.

Với chủ đề “Kháng sinh đúng liều - Đủ yêu tổ ấm”, chương trình nhằm mục tiêu giải quyết mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu với tác động đáng kể tại Việt Nam, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân và sự phát triển y tế bền vững của quốc gia. Chương trình được triển khai trong thời gian 5 năm, từ 1/11/2024 đến 31/12/2028, tập trung tiếp cận thông tin và giáo dục cộng đồng rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.