Sự kiện diễn ra vào dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/72023) có sự tham dự của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương - Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa; nguyên Bí thư Trung ương Đảng - nguyên Phó Chủ tịch nước - bà Trương Mỹ Hoa và lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Đông.

Tại buổi lễ khánh thành bia tiểu sử di tích Đình Tân Đông, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu: "Cảm xúc trong tôi rất đặc biệt. Ngày đất nước hòa bình, chúng tôi đã đưa các liệt sĩ từ nghĩa trang về đây an nghỉ. Đình Tân Đông không chỉ là nơi linh thiêng trong nhân dân; địa điểm văn hóa từng được nhiều nhà nghiên cứu, đơn vị nghệ thuật lui tới và còn là nơi các chiến sĩ cách mạng từng bị bắt bớ, giam cầm. 

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương - Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa và nguyên Bí thư Trung ương Đảng - nguyên Phó Chủ tịch nước - bà Trương Mỹ Hoa tại buổi lễ khánh thành. Ảnh: Ngọc Chính

Đình Tân Đông hôm nay rất khang trang, nay lại có thêm bia giáo dục truyền thống, sẽ là công trình chung về tâm linh, giáo dục, lịch sử và văn hóa của người dân. Chúng ta có thể quy hoạch, trồng thêm cây xanh để không gian này đúng với ý nghĩa của nó: nơi yên nghỉ của các chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc. 

Điều này có ý nghĩa hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng là làm sao khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tinh thần đại đoàn kết và khát vọng, lý trí về lịch sử, văn hóa của con người Việt Nam thời kỳ mới".

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đã vận động Binh đoàn 12 - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn đóng góp kinh phí xây dựng hoàn thành bia tiểu sử di tích Đình Tân Đông, tạo nên tổng thể không gian văn hóa biểu tượng nơi đây.   

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương - Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: Ngọc Chính

Di tích Đình Tân Đông được xây dựng năm 1905, hoàn thành năm 1907, quần thể gồm có: Võ ca, Đình chánh và nhà khói. Võ ca gồm 2 gian 3 chái, cột gỗ, mái lợp ngói âm dương. Đình chánh kiểu tứ trụ, nhà rường cột cao 5,5m, theo kiến trúc đình chùa truyền thống khu vực Nam Bộ.

Công trình được xây dựng bằng các loại gỗ quý, gạch, ngói, đá… hài hòa với hệ thống mộng, chốt tinh xảo. Các họa tiết trang trí, câu đối… được chạm trổ công phu. Trước Đình là bức bình phong cao 1,5m, hai bên có miếu thờ Thổ thần và Ngũ hành. 

Năm 2010, trên cơ sở đề nghị của UBND huyện Gò Công Đông, Đình Tân Đông được chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, bà Trương Mỹ Hoa và lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Đông chụp ảnh lưu niệm cùng bia tiểu sử di tích Đình Tân Đông. Ảnh: Ngọc Chính

Theo thời gian, Đình Tân Đông xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng, từng được UBND tỉnh Tiền Giang trùng tu giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng Chánh điện với kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng năm 2020.

Một năm sau, UBND huyện Gò Công Đông tiếp tục thi công giai đoạn 2 gồm các hạng mục cổng, hàng rào, nhà vệ sinh, đường dẫn vào đình với kinh phí khoảng 918 triệu đồng từ nguồn của huyện và vận động xã hội hóa.

Sau khi đưa vào sử dụng, Đảng ủy - UBND xã tiếp tục vận động xã hội hóa xây dựng các hạng mục như nhà nấu ăn, đường dẫn xuống nhà khối, trồng cây ăn quả, sơn sửa 3 bàn thờ phía trước và sau, mua sắm bàn ghế, tủ, tô, chén… cùng các trang thiết bị thờ cúng như trống, chiêng, chuông, chân đèn… với tổng kinh phí hơn 170 triệu đồng.

Ngọc Chính - Vĩnh Sang