- Đất hiếm là tài nguyên chiến lược, không thể tái sinh. Rất nhiều công nghệ hiện đại không thể thực hiện nếu không có đất hiếm. Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đất hiếm ra đời với sự chuyển giao công nghệ của Nhật Bản đã đặt nền móng cho ngành có thế mạnh này của Việt Nam.
Trung tâm nghiên cứu đất hiếm vừa được khánh thành tại xã Đồng Tháp, Đan Phương, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn An. |
Đòi hỏi hợp tác công nghệ
Đất hiếm là một tài nguyên quý của nước ta và trữ lượng ước tính đứng thứ ba trên thế giới. Nhu cầu đất hiếm trên thế giới hiện rất căng thẳng để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ cao.
Trung Quốc là nước cung cấp tới 90% nhu cầu thế giới, song họ tuyên bố giảm sản lượng xuất khẩu với lý do phải hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong nước khiến các nước công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Theo PGS, TS Nguyễn Khắc Vinh, Tổng Hội Địa chất Việt Nam (Hà Nội 5/11/2010), Việt Nam đã có những nghiên cứu về đất hiếm cách đây 50 năm… Khó khăn lớn nhất trong khai thác đất hiếm chính là chúng có hàm lượng rất thấp, tính chất hóa học rất giống nhau nên khó tách được từng nguyên tố dưới dạng tinh khiết và đi kèm với các nguyên tố rất độc, đặc biệt là nguyên tố phóng xạ.
Việc khai thác đất hiếm đòi hỏi có quy trình công nghệ cao, nhất là ở quy mô lớn. Do vậy việc hợp tác quốc tế để được chuyển giao công nghệ và thiết bị là một yêu cầu bức thiết.
Trong kế hoạch hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản, hai chính phủ đã nhất trí lựa chọn hai phương hướng lớn để hợp tác là chuyển giao công nghệ và thiết bị nhà máy điện hạt nhân và công nghiệp đất hiếm.
Mốc son của sự hợp tác Việt – Nhật
Trên cơ sở bản thỏa thuận giữa Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam về hợp tác phát triển công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và thủ tướng Yoshihiko Noda ký ngày 31/10/2011, các chuyên gia hai nước đã làm việc tích cực để thành lập Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đất hiếm tại Việt Nam.
Nhiệm vụ của trung tâm là: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường để chế biến sau quặng đất hiếm nhằm thu được sản phẩm đạt độ sạch cao; Chế tạo kim loại và hợp kim đất hiếm; Quản lý chất thải trong quá trình chế biến đất hiếm; Phát triển công nghệ, vật liệu, sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ đất hiếm Việt Nam; Đào tạo cán bộ nghiên cứu và cán bộ kỹ thuật cho công nghệ đất hiếm.
“Sự ra đời của Trung tâm là mốc son đánh dấu sự hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, là một hoạt động cụ thể hóa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước” – Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đánh giá.
Chúng ta hy vọng Việt Nam sẽ nghiên cứu và khai thác chế biến đất hiếm đứng trong TOP thế giới.
Nguyễn An
Đất hiếm là vitamin của công nghệ cao Đất hiếm (rare earth) là nhóm 17 nguyên tố kim loại, chiếm vị trí từ 57 – 71 cùng với 2 nguyên tố có số thứ tự 39 và 21) trong Bảng hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học D.I. Mendêlêep. Trung Quốc và Mỹ chiếm trên 90% tổng trữ lượng quặng mỏ đất hiếm thế giới. Đất hiếm nhu cầu về khối lượng không lớn nhưng có vai trò cực kỳ quan trọng và đa dạng trong công nghệ hiện đại được ví như vitamin của các ngành công nghệ cao. Nhiều thiết bị quen thuộc trong sinh hoạt của chúng ta như điện thoại di động, máy tính, tivi, đèn compact không thể thiếu đất hiếm,… Có thể kể ra biết bao nhiêu ứng dụng của chúng trong năng lượng mới, công nghiệp hạt nhân, công nghệ thông tin, điện tử, quốc phòng, hàng không vũ trụ,… |