Kết thúc năm 2022, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích sớm hơn một năm so với Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 15 đề ra.
Quảng Ninh có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% (cả nước đạt 73,06%); có 56/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 57,1% (cả nước có 937 xã, đạt 11,4%); có 26/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 26,5% (cả nước có 110 xã, đạt 1,34%); 13/13 đơn vị huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% (cả nước có 255 huyện, đạt 39,6%).
Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, bài học quý mà Quảng Ninh đúc rút chính là việc phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình. Chủ trương đúng, cách thức triển khai tốt, thu hút được nhân dân vào cuộc chính là nguyên nhân của thành công của NTM Quảng Ninh. Không thể phủ nhận chương trình xây dựng NTM đã hội tụ đầy đủ trách nhiệm, khát vọng thay đổi của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Ý Đảng và lòng dân hòa hợp, sức dân được huy động… đã tạo nên nguồn lực to lớn chuyển mình mạnh mẽ.
Quảng Ninh là một trong số ít tỉnh, thành phố thành lập ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp trực tiếp do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban chỉ đạo. Cách chỉ đạo này rất sáng tạo, thể hiện rõ nét dấu ấn của lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở trên tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Quảng Ninh cũng thành lập các cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở phù hợp điều kiện của từng địa phương.
Hơn một thập kỷ xây nông thôn mới với nguồn lực lớn gần 165.000 tỷ đồng dành cho khu vực nông thôn. Trong đó, vốn ngân sách chỉ chiếm trên 10%, vốn tín dụng chiếm trên 70%, 20% còn lại là vốn doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Ðể đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh tập trung vào các đột phá chiến lược là: Ðẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, bảo đảm đồng bộ liên thông tổng thể, kết nối chặt chẽ giữa đô thị với nông thôn, giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, tận dụng lợi thế từ kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đã hoàn thiện để tổ chức lại không gian và nguồn lực, quản lý sử dụng bền vững, tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở khai thác tiềm năng lợi thế khác biệt, nhất là giá trị tài nguyên thiên nhiên, con người, văn hóa của các tiểu vùng, của từng địa phương trên tinh thần tiếp tục lấy thành thị dẫn dắt nông thôn, công nghiệp-dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Tập trung cho phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, con người, đào tạo nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm tăng thu nhập trên cơ sở tận dụng cơ hội việc làm ngay từ địa phương.
Tỉnh tăng cường phân cấp, nâng cao hiệu quả, chất lượng tổ chức thực hiện gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình. Huy động mọi nguồn lực và sức mạnh tổng hợp triển khai thực hiện chương trình, trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách xây dựng nông thôn mới.
Ðặc biệt, trong huy động và tổ chức nguồn lực, Quảng Ninh đã kiên trì thực hiện chủ trương lấy đầu tư công kích hoạt các nguồn vốn xã hội từ các thành phần kinh tế khác. Theo đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách xây dựng nông thôn mới, đổi mới tư duy gắn kết chặt chẽ, hài hòa phát triển giữa đô thị với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với phát triển nông nghiệp, phát huy dân chủ, ý chí tự lực, tự cường, ý chí vươn lên của cán bộ, nhân dân. Trong tổ chức thực hiện luôn đề cao yếu tố đổi mới, sáng tạo, sự gương mẫu của người đứng đầu, của các địa phương cấp huyện, cấp xã các đơn vị.
Những minh chứng sống động vừa kể trên cho thấy, tỉnh Quảng Ninh đã dành sự quan tâm lớn và nhận được sự đồng thuận, chung sức đồng lòng cùng tham gia của toàn xã hội để thực hiện khát vọng đổi mới và làm giàu trên khắp các vùng quê Quảng Ninh.
Tại hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Quảng Ninh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận và đánh giá Quảng Ninh hết sức năng động, sáng tạo trong việc cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương trong điều kiện của tỉnh qua từng giai đoạn; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Bên cạnh việc bố trí ngân sách địa phương, tỉnh cũng sáng tạo trong việc huy động nguồn lực xã hội. Cùng với đó, tỉnh huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lồng ghép khéo léo các chương trình mục tiêu ở từng địa bàn, có cơ chế để phát huy vai trò, tinh thần nỗ lực của người dân.