- Hàng chục mạng người đang luồn sâu trong lòng đất để tìm đá đỏ thì hầm sập. 47 người thiệt mạng. Phải mất tới chục ngày sau, người ta mới đưa xác các nạn nhân xấu số lên khỏi lòng đất.
Có người bảo, số người chết đó là do lời nguyền của một vị thần cai quản vùng đá đỏ này. Chẳng biết rõ nguồn cơn như thế nào, chỉ biết ngày đó, dọc theo con đường mòn từ đồi Tỷ dẫn ra QL 48, xác người nằm ngổn ngang, khói nhang nghi ngút phủ kín cả một quãng đường.
Nấm mồ tập thể giữa đại ngàn
“Đó là một ngày mưa tháng 6/1991. Chẳng hiểu thế nào mà ông trời khóc nhiều như thế nữa. Mưa trắng trời. Mưa như ném đá vào mặt. Cả thủ phủ Châu Bình chìm ngập trong cơn mưa nặng hạt. Mưa từ chiều đến tối. Mưa xuyên cả đêm. Sáng tỉnh dậy, vẫn thấy mưa đì độp trên mái tôn” – Đại tá Thái Doãn Hiệu vừa lặng lẽ bước trên con đường dẫn vào đồi Tỷ, vừa kể về câu chuyện tang thương hơn hai chục năm về trước.
Đồi Tỷ, nơi chôn vùi 47 phu đào đá đỏ. Sau vụ sập hầm thảm khốc ấy, tên đồi cũng được thay đồi là Đồi Tử. Ảnh: H.Sang |
Vừa dứt cơn mưa, hàng ngàn người lại kéo nhau vào khu vực đồi Tỷ để đào đá đỏ. Những chiếc hầm ếch sâu hoắm, ngoạm sâu vào lòng đất. Cả khu vực đồi Tỷ ngổn ngang như bãi chiến trường. Người đào, kẻ bới, tay thoăn thoắt chuyển lên những bì đất rồi mang ra bờ suối gần đó để đãi.
Đồi Tỷ bỗng dưng biến thành một tổ ong với hàng trăm hầm được đào sâu.
Những chiếc hầm sâu hoắm, rộng cỡ hơn 1 m2 được con người cần mẫn khoét sâu. Đào đến đâu, người dân chặt nứa ngăn lại đến đấy, để không cho đất đá sụp xuống. Hầm này cách hầm kia có mấy bước chân. Chỉ cần một tốp đào được vỉa đá, lập tức, xung quanh sẽ có nhiều đoàn khác đến đào.
Thế nên mới có chuyện, rất nhiều lần, khi phu đá đang ở dưới lòng đất thì bỗng nhiên trước mặt, có một chiếc xà beng từ hầm bên kia cắm ngay trên đầu. Và đã không ít lần, phu đá đã phải bỏ mạng dưới lòng đất vì tranh giành vỉa đá.
Khi phu đá đang mải miết luồn sâu vào lòng đất thì bỗng dưng nghe một tiếng động kinh hoàng, liền sau đó là những tiếng la hét thất thanh, tiếng người nhốn nháo giẫm đạp lên nhau để chạy thoát. Hàng ngàn người ở đồi Tỷ nhốn nháo như ong vỡ tổ.
Hầm sập. Ban đầu là một cái. Những người đứng trên miệng hầm í ới gọi nhau rồi giẫm lên nhau bỏ chạy. Lại thêm 1 cái hầm kế bên bị sập. Người lại giẫm lên người.
47 người đã bị chôn vùi dưới lòng đất. Và, giấc mộng đổi đời của những con người xấu số này cũng mãi mãi bị chôn vùi dưới lòng đất.
Con đường mòn nối QL48 với Đồi Tỷ. Tháng 6/1991, dọc con đường này chất chồng thi thể các nạn nhân xấu số trong vụ sập hầm. Ảnh: Q.Huy |
Lần đó, phải mất đến gần chục ngày, lực lượng chức năng mới đưa được thi thể của các nạn nhân xấu số lên mặt đất. Ai cũng méo mó, dị dạng. Thi thể các nạn nhân được tìm thấy đều trong tư thế ôm chặt lấy đầu như một phản xạ sinh tồn tự nhiên.
Ngày đó, dọc con đường mòn dẫn vào đồi Tỷ la liệt những thi thể bị thiệt mạng. Không có một lán trại, cũng chẳng có quan tài để khâm liệm. Bởi, tìm cả cái thị trấn Quỳ Châu này, kiếm đâu ra đủ chừng ấy quan tài để khâm liệm các nạn nhân xấu số?
47 chiếc chiếu được mua về, trải dọc 2 bên đường. Tìm được nạn nhân nào, họ đưa lên đó rồi dùng tấm vải trắng đắp lại. Người nhà đến, lật từng tấm vải trắng, cố tìm cho ra người thân của mình rồi lặng lẽ thuê xe mang xác về nhà.
Đại tá Hiệu bảo rằng, từ bé đến giờ, ông chưa từng chứng kiến một vụ tai nạn nào thảm khốc, tang thương đến thế. Ông kể rằng, có người mẹ đi tìm xác con, khi đến nơi, thấy đứa con trai độc nhất của dòng họ toàn thân dập nát đã toan đâm đầu nhảy xuống sông tự vẫn.
Lần đó, người mẹ được cứu thoát nhưng nghe đâu, bị lên cơn điên, suốt ngày lang thang ở mảnh đất Châu Bình này, miệng lảm nhảm gọi tên đứa con trai độc nhất của dòng họ.
Người ta kể rằng, sau vụ tai nạn thương tâm đó, dòng suối ven đồi Tỷ đang trong xanh bỗng đổi màu đỏ quạch. Có người bảo, máu của những phu đào đá đỏ đoản mệnh đã hòa vào dòng suối này.
47 người bị chết, máu trộn vào đất, vào đá, hòa vào dòng suối; máu nhuốm đỏ cả sắc trời đồi Tỷ. Ấy vậy mà, chỉ mấy ngày sau đó, người dân lại lũ lượt kéo nhau vào đồi Tỷ, tiếp tục tranh giành, đào khoét để đi tìm vận may cho cuộc đời mình.
Lại thêm những vụ sập hầm, mà nói như thượng tá Nguyễn Cảnh Chanh: “hầm sập, họ không thèm báo cho lực lượng chức năng, tự bới lên rồi mang xác về. Chính vì thế, không ai có thể đếm được bao nhiêu người đã bỏ xác nơi này”.
Dường như với những phu đào đá đỏ, mạng sống chẳng có nghĩa lý gì. Họ bị cuốn sâu vào ma lực của đá đỏ, cho dù có phải đổi bằng máu, bằng nước mắt và mạng sống của chính mình.
Người hát rong mù và những bài hát “để đời”
Tôi đã thử cất công đi tìm tác giả của những bài hát xẩm về đá đỏ Quỳ Châu một thời. Nhưng, rút cuộc, không thể tìm thấy ông lão ở đâu ở miền Tây Nghệ An khi cơn gió Lào đầu mùa đang hầm hập thổi.
Trước, tôi đã từng ướm hỏi, quê quán, gốc tích của lão nhưng chỉ nhận được những dòng thông tin ngắn ngủi: hình như lão quê ở Đô Lương, nhưng chết từ thời tám hoánh nào rồi.
Giờ thì chắc không mấy ai còn nhớ những bài hát xẩm của người hát rong già nua một thời ở dải đất miền Tây Nghệ An nữa.Thế nhưng, có một thời, không ai không thuộc những lời trong bài hát của người hát rong mù này.
Đồi Tỷ giờ rêu phong, nằm lặng lẽ giữa đại ngàn. Đây chính là nơi mà những năm 90, phu đào đá bỏ mạng nhiều nhất. Ảnh:H.Sang |
Nghe rằng, người hát rong này tên Trung, quê huyện Đô Lương. Ngày đó, con trai ông cũng bỏ nhà, bỏ làng đi tìm vận may ở “miền đất chết” Châu Bình.
Một ngày, ông nhận được tin dữ: đứa con trai độc nhất bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc này. Nghe hung tin, ông vội bắt xe đò lên tìm xác con.
Hỏi phu đào đá đỏ, chỉ nhận được những cái lắc đầu: “Người chết nhiều lắm, biết con lão chết hồi nào đâu”. Những ngày sau đó, ông lang thang để hỏi dò tin tức về con và chứng kiến biết bao cái chết thương tâm. Thương con, ông khóc, khóc đến khi bị mù hẳn cả đôi mắt.
Ngày lại ngày, nắng cũng như mưa ông kiếm một góc nơi ngã ba Quỳ Châu và ngồi hát. Những đồng tiền lẻ mà phu đá ném vào chiếc nón rách rưới giúp ông sống qua ngày đoạn tháng. Người ta bảo rằng, những lần cất cao tiếng hát, từ hốc mắt ông lão ứa ra những giọt nước màu hồng, như màu máu.
Một tháng, 1 năm rồi lâu hơn nữa, ông già mù cứ ngồi mà hát. Tiếng hát từ gan ruột. Lão hát để thầm mong con trai lão ở đâu đó, nếu còn sống thì tìm về bên lão. Thi thoảng, đang hát, lại nghe người ta xì xồ chuyện có người vừa bị vùi xác dưới hầm sâu, lão lại quờ quạng chạy theo để dò la tin tức. Chẳng phải con trai lão...
Chẳng biết, chuyện kể có đúng không. Nhưng tên lão và những bài hát từ gan ruột thì không người dân ở miền thủ phủ đá đỏ này không ai không nhớ. Ngày đó, từ những đứa trẻ mặc quần xà lỏn đến những người già, từ phu đào đá đỏ đến những tên tội phạm khét tiếng đều thuộc lòng lời bài hát của lão.
Để tiễn đưa những người xấu số bỏ mạng nơi đây, người ta vẫn hát lời của lão. Vui hát. Buồn hát. Khổ đau, bất hạnh, cũng hát.
Chuyện về ông già mù hát rong, chẳng biết có thật hay không nữa. Nhưng, người dân ở đất Châu Bình này vẫn thường kể cho nhau nghe như vậy. Đem câu chuyện này hỏi đại tá Hiệu, ông chỉ cười buồn: lão già hát rong, tên thật là Trung; ngày đó toàn ngồi hát ở bến xe ở thị trấn huyện Nghĩa Đàn để hát. Có lẽ, người dân nơi đây tự nghĩ ra câu chuyện này cho nó nhuốm màu tang thương.
Mà cần gì câu chuyện về lão Trung. Vùng đất tử huyệt này, với những đêm chém giết tranh giành lãnh địa, với những tiếng súng xé toang màn đêm, với nấm mồ tập thể chôn vùi những người dân xấu số… đã làm người ta không khỏi ớn lạnh xương sống rồi.
- Hoàng Sang – Quốc Huy
Kỳ tới: Rất nhiều chiêu thức hô biến đá thường thành đá đỏ được các tên lừa đảo chuyên nghiệp thời đó sử dụng. Nghề lừa, cũng lắm công phu. Có người, sau một đêm đã mất đi hàng tỉ đồng.