Quảng Ninh được đánh giá là tỉnh đang có tốc độ phát triển kinh tế khá cao nhưng chưa thực sự bền vững, vì vậy, cơ chế, giải pháp về khoa học và công nghệ (KH&CN) là những yếu tố cần thiết để phát triển kinh tế xã hội tỉnh.


Đây là chia sẻ của đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân diễn ra ngày 05/10.

KH&CN Quảng Ninh khởi sắc

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết việc thu hút đầu tư từ xã hội cho hoạt động KH&CN của tỉnh ngày càng lớn. Các tổ chức, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư cả nhân lực và tiềm lực cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ được nâng cao.

Ngân sách tỉnh đầu tư cho hoạt động KH&CN tỉnh Quảng Ninh tăng nhanh trong những năm gần đây. Cụ thể, giai đoạn 2006-2010 đã bố trí 138 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với gian đoạn 2001-2005; năm 2011 đã bố trí 57,8 tỷ đồng, bằng 112% kinh phí năm 2010.

Giai đoạn 2006-2010 tỉnh đã triển khai 2 nhiệm vụ cấp nhà nước, 101 nhiệm vụ cấp tỉnh, 79 nhiệm vụ cấp cơ sở với kinh phí gần 70 tỷ đồng. Nhiều đề tài, dự án đã cung cấp cơ sở khoa học cho lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo, điều hành, hoạch định phát triển kinh tế xã hội; bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội…

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ KH&CN và tỉnh Quảng Ninh
Bên cạnh đó, phong trào lao động sáng tạo được quan tâm và phát triển mạnh, tạo sức thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia các cuộc thi, hội thi, giải thưởng về KH&CN đạt kết quả. Thị trường KH&CN trên địa bàn tỉnh được hình thành và đi vào hoạt động thông qua việc ký kết từ chợ công nghệ và thiết bị.

Việc phát triển tài sản trí tuệ cho các tổ chức, doanh nghiệp thông qua việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm được đẩy mạnh. Hiện, tỉnh đang triển khai lập Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông sản của tỉnh…

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng đã nhìn nhận hoạt động KH&CN của tỉnh còn gặp một số khó khăn trong việc nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, áp dụng tiến bộ - khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ… tại các xã biên giới, huyện đảo của tỉnh còn ít, hiệu quả không cao, chưa trở thành động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.

Quảng Ninh chưa có nhiều nhà khoa học đầu ngành, chuyên môn cao để chủ trì các hoạt động nghiên cứu, tổ chức triển khai các đề tài khoa học cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Ngoài ra, số lượng các viện nghiên cứu, trường đại học đóng trên địa bàn tỉnh còn ít; đội ngũ cán bộ quản lý KH&CN ở các ngành, địa phương còn hạn chế về số lượng, chất lượng không đồng đều…

Ưu tiên tối đa cho KH&CN

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII đã xác định mục tiêu: “Phấn đấu xây dựng Quảng Ninh thực sự trở thành một địa bàn động lực, năng động của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, cửa ngõ quan trọng trong hợp tác kinh tế quốc tế, đến năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Ông Phạm Minh Chính - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh đã cho biết, chủ trương phát triển kinh tế của Quảng Ninh là phát triển công nghiệp, đặc biệt là chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế biến; phát triển các ngành dịch vụ và phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung trồng rừng, nuôi trồng thủy sản. Có như vậy, sẽ tạo đột phá, cú hích cho kinh tế Quảng Ninh phát triển.

Ông Phạm Minh Chính cho rằng, cần phải có ba giải pháp để thúc đẩy sự phát triển kinh tế Quảng Ninh là: nguồn nhân lực, nguồn vốn và KH&CN. Đặc biệt, Quảng Ninh rất cần những cơ chế, giải pháp về KH&CN để phát triển một số lĩnh vực: Công nghệ xử lý môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, ứng dụng KH&CN vào khai thác than, nuôi trồng thủy sản; chế biến nông sản, thủy sản; phát triển công nghiệp phụ trợ; công nghệ phát triển sản phẩm du lịch; khoa học về quản lý; ươm tạo doanh nghiệp (quan trọng là nhân rộng mô hình KH&CN).
Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu tại buổi làm việc
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Quảng Ninh muốn trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại thì KH&CN cần phải ưu tiên tối đa cho sự phát triển KH&CN.

Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần quan tâm, ưu tiên đặc biệt đối với hoạt động KH&CN trên địa bàn như: phối hợp tăng nguồn đầu tư cho KH&CN, đa dạng hóa nguồn đầu tư (trước hết là đầu tư từ doanh nghiệp). Song song với đó là tăng cường tiềm lực KH&CN của địa phương, của tỉnh Quảng Ninh.

Trước mắt sẽ xây dựng khu ươm tạo công nghệ , doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp KH&CN. Doanh nghiệp ứng dụng KH&CN để phát triển sản phẩm và trở thành những sản phẩm chủ lực mang tính đột phá, có giá trị gia tăng cao và có thương hiệu.

Tỉnh cần đầu tư cho Trung tâm Ứng dụng tiến KH&CN của Sở KH&CN, Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư của các sở, ngành khác, cũng như Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Quảng Ninh cần vận động doanh nghiệp thành lập các đơn vị nghiên cứu, có thể là viện, trung tâm nghiên cứu.

Bộ KH&CN cam kết cùng tỉnh Quảng Ninh tăng cường đào tạo cán bộ quản lý khoa học. Bộ sẽ dành ưu tiến tối đa, chuyển giao những tiến bộ KH&CN mới nhất cho Quảng Ninh để thực hiện tốt hơn các hoạt động về KH&CN, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh ngày một bền vững.

  • Phương Nga