Lên kế hoạch chi tiêu, mua sắm hợp lý, tìm kiếm nhà trọ giá rẻ,... là những cách tiết kiệm tiền cho cặp vợ chồng mới cưới.
Các cặp vợ chồng mới cưới thường không dư giả về tiền bạc; đặc biệt là người lao động ngoại tỉnh, phải đi thuê trọ. Ngoài ra, họ còn phải “đau đầu” tiết kiệm tiền để chuẩn bị cho các công việc lớn hơn như sinh con, mua nhà,... Tuy nhiên, nếu biết cách vun vén, các cặp đôi này còn sẽ có một cuộc sống “dễ thở” mà vẫn có tiền tiết kiệm. Dưới đây là mẹo chi tiêu 7 triệu đồng/tháng cho các cặp đôi mới cưới phải đi thuê trọ.
1. Các khoản chi tiêu cứng:
- Tiền thuê nhà: 1,5 triệu đồng/tháng (Mới cưới chưa có con nhỏ nên các cặp vợ chỉ cần thuê một ngôi nhà nhỏ, có nhà tắm, nhà vệ sinh, chỗ nấu ăn. Với mức giá này, bạn có thể chịu khó đi xa, thuê một ngôi nhà cách xa trung tâm thành phố nhưng giao thông thuận tiện, gần chợ, an ninh đảm bảo và là nơi đến chỗ làm gần nhất của cả 2 vợ chồng).
- Các khoản sinh hoạt phí: Để tiết kiệm chi tiêu, các cặp vợ chồng nên tự nấu ăn ở nhà và có thể mang cơm tới chỗ làm.
+ Ăn sáng: 15.000 đồng x 30 ngày = 450.000 đồng.
+ Ăn trưa, ăn tối: 40.000 đồng/bữa x 2 bữa x 30 ngày = 2.400.000 đồng (với số tiền này, bạn nên dậy sớm đi chợ sáng mua đồ ăn để tiết kiệm chi phí. Trung bình 1 tuần, bạn có thể đi chợ khoảng 3 lần, tích trữ đồ ăn trong tủ lạnh. Nên phân chia đồ ăn hợp lý. Những loại thực phẩm nào không để lâu được thì nên ăn trước để đảm bảo chất dinh dưỡng. Số tiền trên đã bao gồm chi phí mua hoa quả ăn hàng ngày. Bạn nên mua hoa quả theo mùa để đảm bảo an toàn và giá cả sẽ rẻ).
+ Tiền điện: 150.000 đồng/tháng (do điện cả ở các khu nhà trọ thường rất đắt nên việc dùng điện cần hết sức tiết kiệm. Nếu may mắn bạn thuê được căn hộ trả tiền điện giá nhà nước thì với số tiền trên gia đình bạn có thể thoải mái dùng điện).
+ Tiền internet: 60.000 đồng/tháng (nên nối mạng internet cùng một số phòng khác trong khu trọ để giảm được khoản chi phí này).
+ Tiền xăng xe: 200.000 đồng/tháng x 2 người = 400.000 đồng.
+ Tiền nước: 50.000 đồng/tháng.
+ Tiền mua các loại gia vị, đồ khô: 200.000 đồng/tháng.
+ Tiền mua thẻ điện thoại: 100.000 đồng/người x 2 người = 200.000 đồng.
+ Tiền ga: 300.000 đồng/bình chia đều cho 2 tháng = 150.000 đồng/tháng.
+ Tiền đám cưới, sinh nhật, đám ma,... = 700.000 đồng/tháng (khoản chi này không phải tháng nào cũng có nên có thể bù trừ giữa các tháng).
+ Tiền dầu gội, sữa tắm, xà phòng, tiền thuốc hàng tháng (nếu bị ốm)... = 300.000 đồng/tháng.
+ Các khoản chi phí phát sinh: 440.000 đồng.
--> Tổng chi phí sinh hoạt/tháng = 7 triệu đồng
2. Một số mẹo tiết kiệm chi phí:
- Mỗi lần đi chợ bạn cần lên danh sách những thứ cần mua. Những loại đồ khô có thể tích trữ được nên mua với số lượng nhiều để có được giá mua rẻ. Tuy nhiên, lượng mua cần vừa đủ, tránh đồ bị hỏng, gây lãng phí.
- Đối với những đồ dùng gia dụng trong gia đình nên cân nhắc giá trị sử dụng trước khi mua từng món đồ.
- Bạn nên săn tìm hàng giảm giá, rủ một số bạn bè mua chung để nhận được mức giá ưu đãi.
- Các ngày lễ, Tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới,... các cặp vợ chồng nền hạn chế việc đi ăn ngoài hàng, tránh gây lãng phí.
- Nên lập một cuốn sổ tiết kiệm để đề phòng khi có việc cần.
- Các bà nội trợ nên có trong tay danh sách một số cửa hàng thân thiết về đồ gia dụng, cửa hàng tạp hóa,... để kịp thời nắm bắt được các thông tin giảm giá, khuyến mại; chọn lựa các món đồ thực sự cần thiết cho gia đình.
- Cần hạn chế việc mua sắm theo sở thích, mua đủ dùng để tiết kiệm tiền.
- Hàng tháng, hai vợ chồng nên ngồi thảo luận với nhau về các khoản chi tiêu “vượt mức” trong tháng để cân đối chi tiêu cho tháng sau.
- Nên “sống thấp” hơn điều kiện tài chính của cả 2 vợ chồng, không nên “vung tay quá trán” để tiết kiệm cho tương lai. Phương châm sống này đang được rất nhiều cặp vợ chồng trẻ ở các nước phát triển áp dụng.
Theo Emdep