- Vụ hiệu trưởng một trường tiểu học ở Bình Phước dùng thước đánh 49 học trò túi bụi, có em phải điều trị ở viện nhiều ngày vì trật khớp ngón tay như báo chí đưa tin, một lần nữa gióng lên hồi chuông về việc sử dụng bạo lực để dạy dỗ.

Năm ngoái và năm nay, những thông tin về bạo lực học đường liên tiếp trên báo chí. Nhiều người cho rằng bạo lực học đường lẽ ra phải là điều cấm kỵ. Tuy nhiên, nhà trường là một phần của xã hội, và trong một xã hội vẫn tồn tại bạolực đối với trẻ em từ môi trường gia đình thì không có dấu hiệu bạo lực học đường sẽ ngừng lại.


Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, nếu như cha mẹ sử dụng roi vọt với đứa con của mình thì đứa con đó sau này sẽ tiếp tục sử dụng roi vọt với thế hệ sau. Bạo lực cứ thế tiếp diễn qua nhiều thế hệ.

Một ông bố chia sẻ với nhà tâm lý: Đối với trẻ nhỏ vẫn cần phải đánh, vì có lúc chúng không nghe lời. Hơn nữa, nếu chỉ chiều chuộng con, không mắng mỏ, cho roi vọt bao giờ thì mai này ra xã hội sẽ không chống đỡ được nếu bị người khác đánh hoặc sỉ vả. Anh lý luận rằng, nếu bắt nằm ra, đánh vào mông, nói rõ tội của con thì không sao cả.

Gia đình chị An ở TP.HCM thuê một cô giáo tiểu học đến làm gia sư cho con học lớp 1. Ngay từ đầu gia đình đã giao hẹn với cô giáo: cô cứ toàn quyền dạy dỗ cháu, được phép dùng roi vọt. Một ngày, chị An tắm cho con, phát hiện bên đùi thâm tím hai lằn, tra hỏi mãi, con mới khai là bị cô dùng cán chổi lông gà đánh hai hôm trước vì giao bài mà cứ ngồi lỳ ở bàn không chịu làm. Nhìn vết thương của con, chị càng tê tái trong lòng vì con chị cũng là một cô bé khá gan, bị đánh nhưng không bao giờ mách mẹ. Chị đã phải cho cô giáo nghỉ dạy.

Nhà tâm lý Hoàng Nhân cho biết: Các bậc cha mẹ đều đúng khi cho rằng, cần phải đánh con và quan trọng là đánh như thế nào để cho con không thấy rằng cha mẹ trừng phạt tàn nhẫn. Tuy nhiên, có bao giờ các bậc cha mẹ có bao giờ tự hỏi rằng, nếu đứa trẻ được hỏi ý kiến: nó có thích được đánh không, thì không đứa trẻ nào mong muốn, dù đánh bằng bất cứ hình thức nào. Đánh con là thể hiện sự bất lực trong phương pháp giáo dục của cha mẹ, chứng tỏ các bậc cha mẹ ấy không nghĩ ra được phương pháp giáo dục nào khác.

Một bà mẹ đã rất khủng hoảng khi chia sẻ với nhà tâm lý Hoàng Nhân: ngày nhỏ, cô thường được cha dạy bằng roi vọt mong cô trở thành con ngoan. Sau này có con, cô rất bối rối khi chính cô lại dùng lại phương pháp đó với con của mình mà không thể dừng lại được. Cô chia sẻ thêm, vì “no đòn” của bố ngày nhỏ, khi lớn lên, cô rất ít khi chia sẻ tâm sự của mình với bố. Cô cũng lo sợ rằng, sau này, rất có thể con cô cũng sẽ làm như vậy với mình.

Anh Chánh Toàn, một Việt Kiều ở Pháp cho biết, sắp tới Chính phủ Pháp sẽ có biện pháp ngăn chặn bạo lực trong gia đình. Quyết định này dựa trên một nghiên cứu khoa học của nhóm các nhà khoa học ở Pháp. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, nếu như cha mẹ sử dụng roi vọt với đứa con của mình thì đứa con đó sau này sẽ tiếp tục sử dụng roi vọt với thế hệ sau. Bạo lực cứ thế tiếp diễn qua nhiều thế hệ.

Trong một nghiên cứu có tên: Ảnh hưởng của bạo lực đối với trẻ em, tiến sĩ Joy D. Osofsky, ĐH Louisiana, Hoa Kỳ cho biết: những đứa trẻ bị cha mẹ đánh sẽ thể hiện thường xuyên hai xu hướng: nhút nhát, thu mình, sợ hãi và gây hấn, dễ bị nghiện một cái gì đó. Những đứa trẻ đó lớn lên dễ phạm tội, học kém, gặp nhiều vấn đề về cảm xúc, rối loạn cảm xúc tình dục, dễ bị nghiện ngập.

Khi cha mẹ cũng từng là nạn nhân của bạo lực cần phải đối mặt với vấn đề của mình và chữa trị cho mình trước khi dạy dỗ con cái họ.

Theo nhà tâm lý Hoàng Nhân, việc ngăn chặn bạo lực học đường cũng như bạo lực gia đình cần phải có một chương trình hành động từ cấp Chính phủ. Bạo lực là một căn bệnh xã hội có thể lây lan.
  • Bút Gỗ