Cách đây 16 năm, khi khủng hoảng tài chính châu Á bắt đầu xuất hiện thì ở Việt Nam một vụ sai phạm với quy mô lớn trong lĩnh vực kinh tế cũng được đưa ra ánh sáng: Epco - Minh Phụng. Đây được xem là vụ án điển hình, phản ánh mối quan hệ phức tạp giữa doanh nghiệp với giới tài chính và với cả các quan chức.
Lúc đó, ngoài hai án tử hình dành cho hai nhân vật chính Tăng Minh Phụng và Liên Khui Thìn, có hai lãnh đạo ngành ngân hàng cũng chịu chung số phận vì đã tiếp tay cho Phụng và đồng phạm vay vốn đầu tư vào một lĩnh vực siêu lợi nhuận nhưng rất nhạy cảm với chu kỳ kinh tế: bất động sản.
Nay kịch bản tương tự vụ Epco - Tăng Minh Phụng lại tái diễn: kinh tế Việt Nam bị đình trệ, hệ thống tài chính - bất động sản gặp trục trặc, cùng với đó là các vụ sai phạm lớn lộ diện ngày càng nhiều. Nếu xét về tầm vóc, các sai phạm này không hề thua kém vụ Epco - Minh Phụng trước đây.
Gần đây, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên án tử hình Vũ Quốc Hảo, Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính 2 thuộc Ngân hàng Agribank và ông Đặng Văn Hai, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng Quang Vinh, với các tội danh tham ô tài sản, lừa đảo, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Giá trị sai phạm trong vụ án này ước tính lên tới 531 tỉ đồng.
Không chỉ vậy, sắp tới đây, một loạt các vụ sai phạm lớn liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ được đưa ra xét xử. Đó là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Phương Nam và một số ngân hàng ở Sóc Trăng, Hậu Giang và Bạc Liêu; vụ án kinh tế tại Công ty Dệt kim Đông Phương và một chi nhánh Agribank ở TP.HCM cũng như một vụ án kinh tế khác tại Sở Quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank. Bên cạnh đó là vụ án tham nhũng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Đắk Nông; vụ cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm tại chi nhánh Nam Hà Nội của Agribank.
Đáng chú ý hơn cả là hai vụ án trọng điểm gây thiệt hại lớn: vụ sai phạm tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam và vụ bầu Kiên. Đây là những vụ án phức tạp và cho đến giờ, cơ quan điều tra chỉ mới hé lộ một phần tình tiết của câu chuyện.
“Khi thủy triều rút đi, người ta sẽ thấy ai bơi không áo tắm”, câu nói của tỉ phú Warren Buffett dường như rất phù hợp để miêu tả mối liên hệ giữa khủng khoảng kinh tế với các sai phạm bị phát hiện gần đây. Bởi lẽ, một khi khủng hoảng kinh tế nổ ra, tín dụng dễ dãi, chính sách điều hành nới lỏng thiên về tăng trưởng của Nhà nước không còn thì những sai phạm cũng khó lòng ẩn nấp.
Kể từ sau “quả bom” Tăng Minh Phụng cách đây hơn 10 năm, đây là lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế Việt Nam, các bản án kinh tế được tuyên lại nặng nề đến thế và có thể sẽ được tiếp tục trong các vụ xét xử tới.
“Đảng, Chính phủ, cơ quan tố tụng và tòa án của chúng tôi sẽ xét xử nghiêm khắc đối với các trường hợp phạm tội như vậy”, hãng tin Bloomberg dẫn lời Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu bên lề Hội nghị phòng chống tham nhũng gần đây tại Hà Nội. “Chúng tôi sẽ củng cố chặt chẽ hơn khuôn khổ luật pháp để làm giảm và ngăn ngừa tham nhũng”, ông nói.
Động thái này phần nào mang lại niềm phấn khởi cho thị trường, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư ngoài nước. Ông Adam McCarty, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty tư vấn Mekong Economics, nhận xét: “Đó là một dấu hiệu cho thấy bạn có thể bị tử hình nếu phạm tội tham nhũng với quy mô lớn. Đồng thời, cũng thể hiện đường lối tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mà Chính phủ chuẩn bị thực hiện. Họ thực sự muốn đào sâu vào vấn đề nợ xấu và tìm người để xử phạt”.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 2.166 cuộc thanh tra, kiểm tra - một con số kỷ lục. Cơ quan này cũng đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 201 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và cá nhân với tổng số tiền xử phạt lên đến hơn 6.000 tỉ đồng.
Dù đã nỗ lực đưa được một số nhân vật quyền lực ra trước vành móng ngựa, nhưng có lẽ chúng chỉ là bề nổi của tảng băng. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp với hệ thống tài chính vẫn phức tạp, mặc cho nỗ lực của Chính phủ trong việc lành mạnh hóa hệ thống trong những năm qua. Đó là tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng và mối liên hệ giữa ngân hàng với các tập đoàn kinh tế lớn.
Về mối liên hệ này, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhận xét: “Nếu không giải quyết nhanh chóng và quyết liệt, có thể chúng ta sẽ gặp những cú sốc trên con đường phục hồi và như vậy là rất nguy hiểm”.
(Theo NCĐT)